Thương binh Phạm Hồng Tư, quê ở xã Chi Đám, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ luôn biết ơn những đồng đội đã ngã xuống để ông được trở về bên người thân và an hưởng quãng đời còn lại trong hòa bình. “Tôi nhập ngũ năm 1975. Năm 1977, tôi tham gia bảo vệ biên giới khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. 1979, tôi bị thương, mất 91% sức khỏe, là thương binh 1/4. Dù bị liệt 2 chân, di chuyển bằng xe lăn nhưng vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng đội đã không trở về”, thương binh Phạm Hồng Tư tâm sự.

Ông Tư cũng thấy mình may mắn và hạnh phúc bởi cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ông còn nhận được tình cảm rất đặc biệt từ một người phụ nữ - người bạn đời của ông bây giờ - bà Nguyễn Thị Thanh Phương. Ông cho biết khó có lời nào diễn tả hết cảm xúc của một chàng trai đang tuổi “đôi mươi”, khỏe mạnh bỗng chốc mất tới 91% sức khỏe và phải ngồi xe lăn. Dù được chăm lo chu đáo tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành nhưng khi đó ông thường mang nặng tâm lý buồn chán mỗi lúc nghĩ về tương lai. “Sau khi bị thương, sức khỏe của tôi yếu lắm, kinh tế cũng không có gì nên không dám nghĩ đến việc xây dựng gia đình”, ông thổ lộ.

Cuộc sống của ông Tư có lẽ sẽ cứ lặng lẽ trôi qua nếu thiếu tình yêu của bà Phương - khi đó là một cô điều dưỡng vừa đẹp người, lại tốt nết. Không quản ngại, khó khăn, vất vả, cô điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Phương đã hết lòng chăm sóc cho anh thương binh nặng Phạm Hồng Tư. Rồi điều tất yếu đã đến. Chỉ sau một năm, tình yêu giữa cô điều dưỡng và anh thương binh đã đơm hoa, kết trái. “Tôi quê ở xã Chí Tân, Khoái Châu, Hưng Yên. Khi tôi về Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành công tác, bác trai đang an dưỡng tại đây. Hàng ngày, tôi làm công tác phục, tiếp xúc nhiều nên quen nhau và có tình cảm nên tiến đến hôn nhân. Xây dựng gia đình đến nay đã hơn 30 năm”, bà Phương kể.

Ông Tư thổ lộ khi có được tình yêu của bà Phương, ông vui lắm. Tuy nhiên, ông cũng lo lắng về những khó khăn mà cả hai sẽ phải đối mặt. Chỉ khi cùng nhau xác định rõ tư tưởng cùng vượt khó, ông và bà mới quyết định “về chung một nhà”.

Cứ như thế, tình yêu giữa ông Tư và bà Phương ngày càng bền chặt. Mỗi ngày trôi qua là một ngày đầy ý nghĩa và hạnh phúc.

Cuộc sống của thương binh Ngô Quang Độ, quê ở tỉnh Hải Dương cũng phải gắn với chiếc xe lăn. Dù không buồn chán nhưng khi còn là một chàng trai mà mất đến hơn 90% sức khỏe, ông không nghĩ sẽ có người con gái nào yêu thương và sẵn lòng lập gia đình với mình. Song điều bất ngờ đã đến khi ông gặp bà Vương Thị Khuy tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành. Bất chấp những lời dèm pha, bà Khuy vẫn đến với ông Độ bằng tất cả sự chân thành. Từ đó đến nay, ông Độ và bà Khuy luôn như “hình với bóng”. “Ngày xưa chúng tôi ở đây. Sau đó, sức khỏe của nhà tôi tiến triển tốt thì tôi xin về gia đình. Đến năm 2018, sức khỏe của nhà tôi sa sút, tôi lại xin vào đây để được các y, bác sỹ và điều dưỡng ở đây chăm sóc tốt hơn. Nói chung, cứ ông đi đâu thì tôi theo đấy để chăm chồng”, bà Khuy cho biết.

Với tình yêu đặc biệt dành cho nhau nên ông Độ và Khuy đã có những trái ngọt. Đây cũng là điều ông Độ luôn thấy mình thật may mắn và hạnh phúc. “Chúng tôi xây dựng gia đình vào năm 1983, có 3 con, gồm 2 trai 1 gái. Các cháu hiện đã trưởng thành, có gia đình riêng”, ông Độ tự hào.

Chia sẻ với báo chí, cán bộ của Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành cho biết, ông Tư - bà Phương và ông Độ - bà Khuy chỉ là hai trong số khoảng 30 “cặp đôi” giữa thương binh nặng và những người con gái “đẹp người, tốt nết” mà Trung tâm đã se duyên. Vì thế, sẽ không quá lời nếu nói rằng đây là “nơi ươm mầm tình yêu” và tình yêu đã giúp các thương binh vơi bớt nỗi đau do chiến tranh để lại.

Nghe bài viết dưới đây: