Quy định này được kỳ vọng sẽ giảm tải rác thải nhựa; tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để phân loại rác hiệu quả, cần sự tổ chức đồng bộ và sự vào cuộc của ba bên: Chính quyền, doanh nghiệp và người dân.

Nghe bài viết tại đây:

Ông Hideki Wada, chuyên gia chất thải rắn của Nhật Bản hiện là Chủ tịch Công ty TNHH Quy hoạch chất thải Việt Nam chia sẻ rằng, việc phân loại rác tại hộ gia đình, cá nhân ở Nhật Bản gắn liền với công nghệ xử lý rác từng thời kỳ. Bước đầu phân thành 2 loại rác: rác đốt được và không đốt được, bây giờ là 5 loại rác, thêm rác nguy hại, rác tái chế và rác cồng kềnh.

Một trong những kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc thúc đẩy phân loại rác chính là công cụ “pay as you throw” – nghĩa là bạn phải trả tiền cho những gì bạn thải ra môi trường.

"Tôi muốn nhân mạnh mối quan hệ giữa việc phân loại rác tại nguồn với chính sách thực hiện rác thải thông qua khối lượng và thể tích, chúng tôi gọi là pay as you throw, tức thu gom bằng loại túi đặc biệt" - ông Hideki Wada nói.

Hệ thống "pay" này thúc đẩy cải thiện phân loại rác tại hộ gia đình, có 2 lý do: mức phí với từng loại rác thải là khác nhau, còn với rác không đốt được thì người dân sẽ trả tiền phí.

"Nếu người dân phân loại tốt rác tái chế thì có thể không mất tiền xử lý loại rác này. Vậy nên người dân sẽ cố gắng phân loại tốt nhất rác tái chế và họ có thể tiết kiệm được tiền của mình".

Lý do thứ 2 là sau khi hệ thống thu gom này được giới thiệu, người dân quan tâm nhiều hơn đến vấn đề rác thải vì người ta phải sử dụng loại túi đặc biệt. Chỉ bỏ rác vào túi đấy mới có thể thu gom. Đó là cách nâng cao ý thức của người dân trong việc phân loại rác.

Người dân là chủ thể trong hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định bắt buộc phải phân loại rác thành 3 loại: rác tái chế, rác hữu cơ và rác vô cơ.

Nhiều mô hình thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tiếp tục được triển khai tại nhiều địa phương: Hải Phòng thí điểm 57 xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố; từ ngày 1.6 năm nay, Hà Nội cũng triển khai thí điểm tại 5 quận nội thành…Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên – Môi trường nhấn mạnh đến sự hợp tác 3 bên giữa chính quyền – doanh nghiệp và cộng đồng.

"Để các địa phương thực thi được công tác phân loại rác sinh hoạt đem lại hiệu quả và giá trị kinh tế thì cần sự vào cuộc mạnh mẽ và phối hợp chặt chẽ của 3 bên là chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng" - ông Trung cũng nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp là cầu nối giữa chính quyền và người dân.

"Từ mô hình Hải Phòng tôi thấy là Sở, chính quyền cấp xã phối hợp với doanh nghiệp rất là mạnh mẽ tìm đầu ra cho rác thải và chính doanh nghiệp là người đi hướng dẫn người dân để phân loại và thu gom chất thải và hiện nay người dân Hải Phòng, khu vực thí điểm ý thức cao về phân loại chất thải rắn sinh hoạt".

Theo Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường, thực ra đến thời điểm này, người dân đều nhận thức tầm quan trọng của việc phân loại rác, người dân sẽ hoàn toàn ủng hộ khi chính sách đồng bộ với cơ sở hạ tầng. Ông Nguyễn Minh Cường – Phó trưởng phòng Xử lý chất thải sinh hoạt cho biết, trong chuỗi vận hành từ phân loại đến thu gom, xử lý rác thì khó nhất là định mức kinh tế kỹ thuật để làm cơ sở cho các tỉnh, thành phố xây dựng định mức kỹ thuật, giá dịch vụ cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

"Luật quy định đấy là chậm nhất, không phải là đến ngày đấy mới phân loại mà bắt đầu từ lúc luật có hiệu lực" - ông Cường khẳng định. Tổng cục môi trường đã có nhiều văn bản gửi cho các địa phương để đôn đốc công tác chuẩn bị toàn bộ mọi điều kiện để có thể triển khai phân loại tại các hộ gia đình, cá nhân.

Ông Cường cung cấp thêm, gần đây Bộ cũng đã hướng dẫn ban hành phân loại và đang khẩn trương xây dựng bộ định mức kinh tế kỹ thuật sẽ được ban hành bởi 2 thông tư.

Các chuyên gia đều đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp trong việc phân loại rác và giảm rác. Điều này được thể hiện trong quy định về thu phí rác thải theo thải lượng, quy định về mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR), quy định về dán nhãn xanh.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường, tất cả những quy định này cùng với các công cụ kinh tế đi kèm mua sắm xanh, trái phiếu xanh, tín dụng xanh...đều hướng đến mục tiêu là giảm lượng rác thải ra môi trường:

"Khuyến khích doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào quá trình thu gom, tái chế, tái sử dụng. Chính phủ không thể đảm bảo được toàn bộ kinh phí như hiện nay đang thực hiện và bắt buộc phải có cái sự tham gia của doanh nghiệp. Nhà nước, chỉ sử dụng các cái cơ chế ưu đãi và ưu đãi để doanh nghiệp có thể đầu tư chuyển đổi xanh, thực hiện tái chế, tái sử dụng một cách hiệu quả".

Sự đồng bộ từ chính sách đến cơ sở hạ tầng và thúc đẩy sự vào cuộc của 3 bên: chính quyền – doanh nghiệp và cộng đồng sẽ góp phần làm tốt khâu phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, cá nhân đến việc xử lý, tái chế./.