Chính phủ vừa ban hành Nghị định 45/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, trong đó, bổ sung thêm quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt, có hiệu lực từ 25/8 tới.

Một trong những điểm đáng chú ý tại Nghị định 45 là việc xử phạt với hành vi không phân loại rác. Theo đó, khoản 1 Điều 26 Nghị định này quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Người dân phải chia rác theo 3 loại gồm: rác tái chế, tái sử dụng, rác thực phẩm và các loại chất thải rắn khác.

Nghị định 45/2022 cũng quy định cơ quan, tổ chức, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với hành vi không có biên bản bàn giao chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý cho mỗi lần chuyển giao theo quy định.

- Phạt tiền từ 20 – 25 triệu đồng đối với hành vi không phân loại tại nguồn chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định; thiết bị, dụng cụ lưu chứa chất thải rắn công nghiệp thông thường không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường.

Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là một tỷ đồng đối với cá nhân và hai tỷ đồng đối với tổ chức. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là hai năm.

Cũng theo Nghị định 45, đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại và không sử dụng bao bì, thiết bị đúng quy định. Đơn vị thu gom rác cũng có trách nhiệm thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch VN, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, những quy định mới này sẽ thúc đẩy người dân phải thực hiện đúng quy định về phân loại chất thải rắn tại nguồn. Thế nhưng, khi triển khai phải thực hiện chặt chẽ ở từng khâu, nếu không sẽ rất dễ dẫn tới hiện tượng đơn vị thực thi thì lợi dụng chính sách để trục lợi, còn các cá nhân thì vứt rác trộm.

Thực tế, rác thải hiện nay chưa được các gia đình quan tâm đúng mức, hầu hết mọi người đều quan niệm cái gì không xài được thì vứt đi. Tâm lý người dân cho rằng, việc phân loại rác là do đơn vị quản lý rác thải thực hiện. Thế nhưng, với số lượng rác thải khổng lồ thu gom hàng ngày thì việc phân loại càng khó khăn hơn, gây quá tải cho các bãi rác.

Để phân loại rác, quan trọng nhất là phải tạo cho người dân thói quen phân loại rác tại nguồn, một khi đã phân loại thành công thì xử lý rác sẽ thành công. Và để làm được điều này thì ngoài việc tuyên truyền đến từng hộ dân để họ hiểu đúng, hiểu đủ thì cũng cần có những chính sách, cơ chế hỗ trợ để khuyến khích người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Mời nghe âm thanh tại đây: