Mục tiêu chung của "Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất thải nhựa đại dương đến năm 2030" là tiếp tục thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

"Cú hích" thay đổi

Bốn công cụ để quản lý rác thải nhựa đại dương đó là: Công cụ mệnh lệnh, kiểm soát, ban hành các văn bản pháp quy, chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường hay còn gọi là công cụ hành chính; Công cụ kinh tế là thuế, phí, giấy phép, để điều chỉnh việc sản xuất tiêu thụ các sản phẩm nhựa; Công cụ kỹ thuật là các quy chuẩn quốc gia và Tiêu chuẩn Việt Nam để quản lý việc thu gom, xử lý chất thải rắn; Và thứ tư là công cụ giáo dục tuyên truyền nhằm cung cấp thông tin, giáo dục nâng cao nhận thức cho công dân để thành đổi hành vi.

Cũng từ năm 2019, thực hiện thư ngỏ của Thủ tướng Chính phủ đến các cơ quan, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp và toàn đồng bào cả nước chung tay hành động chống rác thải nhựa thì nhiều cơ quan tổ chức đã không sử dụng chai nước nhựa trong các cuộc họp.

Việc sử dụng loại túi nhựa, cốc nhựa một lần sang những vật dụng dùng được nhiều lần là hành vi thay đổi thói quen. “Thói quen là điều khó thay đổi nhất bằng công cụ chính sách”, vì vậy theo GS.TS Nguyễn Văn Khôi – Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, công cụ giáo dục tuyên truyền là điều cần thiết.

Giáo dục, cung cấp thông tin là bước ban đầu để thay đổi hành vi. Hay nói một cách đơn giản, đó là khái niệm "Cú hích". Trong cuốn sách cùng tên của 2 học giả người Mỹ là Thaler và Sunstein có định nghĩa cú hích là “bất cứ nhân tố nào làm thay đổi một cách có ý nghĩa hành vi của con người” mà không cấm đoán các lựa chọn khác hay thay đổi động cơ kinh tế của họ. Lý thuyết cú hích sử dụng kiến thức kinh tế học hành vi để áp dụng vào việc hoạch định các chính sách, trong đó có lĩnh vực y học và sức khỏe.

Việc tuyên truyền về rác thải nhựa trong thời gian qua đã tạo ra những thay đổi trong nhận thức của người dân. Thực tế thì ai cũng nhìn thấy tác hại của việc sử dụng túi nhựa một lần. Nhiều bạn trẻ đi chợ luôn mang theo túi vải, hộp để đựng thức ăn, các quán café đã chủ động không phục vụ ống hút nhựa thay vào đó là ống hút thủy tinh, inox…

Phát huy công cụ chính sách và công nghệ

Theo bà Nguyễn Ngọc Lý – GĐ Trung tâm môi trường và cộng đồng, dựa vào thay đổi hành vi thôi chưa đủ. Trụ cột để giải quyết vấn đề rác thải nhựa sinh hoạt đó là cơ chế và công nghệ.

"Phải có những công ty tư nhân tham gia vào thu gom, tái chế để làm thế nào 100% rác thải thì 90% là tái chế, chỉ 10% đi vào công nghệ đốt và nén chặt, chôn lấp. Lúc đó mới giải quyết được vấn nạn rác nhựa" - Bà Lý nêu ý kiến.

Thực ra, khi bàn đến công cụ kỹ thuật với công nghệ tái chế hay cụ cụ chính sách, thuế, phí…thì cái chúng ta loay hoay nhất vẫn là ở khâu phân loại rác tại nguồn và thu gom. Chỉ khi coi rác là tài nguyên thì chúng ta mới ngừng đổ đống và chôn lấp như hiện nay.

Vì vậy công cụ EPR hay còn gọi là “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất” đang được kỳ vọng sẽ tạo nên “cú hích” trong việc quản lý rác thải ở nước ta. Đây là một phần trong dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ phê duyệt. Ông Phan Tuấn Hùng -Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài Nguyên và môi trường cho biết, công cụ này khi được triển khai sẽ thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ở nước ta.

Theo đó, nhà sản xuất doanh nghiệp có trong 6 danh mục thuộc EPR sẽ lựa chọn 2 hình thức đó là: Tự tái chế hoặc đóng góp vào Qũy Bảo vệ Môi trường.

Nghe bài viết tại đây:

Nước ta đã chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, thực hiện mục tiêu "Việt Nam tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”. Theo kế hoạch, phấn đấu đến năm 2025 (nghĩa là 3 năm nữa), giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển trên toàn quốc; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.

Đến năm 2030, giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.