Đại dịch Covid-19 đã bộc lộ rõ điểm mạnh, điểm yếu của thị trường lao động

Báo cáo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngoc Dung cho biết, sau 35 đổi mới đất nước, thị trường lao động Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế. Các chính sách, chương trình và giải pháp tạo việc làm đã được triển khai đồng bộ, tích cực, hiệu quả. Hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp được chuẩn hóa, hiện đại hóa. Cùng với đà tăng trưởng và phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II-2022 là 50,5 triệu người, tăng 504,6 nghìn người tăng 1,01% so với quý trước và tăng 701,8 nghìn người tương ứng tăng 1,41% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã Hội Đào Ngọc Dung cho rằng: Ở thời điểm hiện nay thị trường lao động Việt Nam vẫn là thị trường dư thừa lao động có trình độ kỹ năng thấp và có sự phát triển không đều.

“Chúng ta đã và đang tồn tại tình trạng mất cân đối cung cầu lao động, cục bộ giữa các vùng miền, các khu vực, các ngành nghề kinh tế, cơ chế kết nối, cung cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu mà lý do chính là hệ thống thông tin trên thị trường lao động chưa được phát triển đầy đủ; phương thức quản trị thị trường lao động còn nhiều yếu kém rời rạc, thiếu tính liên kết, năng lực cán bộ là khâu yếu nhất của quản trị thị trường lao động hiện nay”. Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung còn chỉ rõ, tính chủ động, linh hoạt của thị trường lao động của nước ta còn kém. Đặc biệt trước những “cú sốc” như đại dịch covid-19 vừa qua đã khiến thị trường lao động Việt Nam bộc lộ rõ hơn những điểm mạnh, những điểm yếu, hạn chế những nhân tố cần quan tâm khai thác để phục vụ cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững trong ngắn và dài hạn.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Chúng ta đang phải đối mặt với áp lực giải quyết việc làm cho gần 2 triệu lao động rời khỏi thị trường lao động; tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn. Chưa có giải pháp để nâng tầm, khai thác và thu hút lao động tại chỗ hiệu quả; tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động cho giai đoạn phục hồi và phát triển”

Bên cạnh những ảnh hưởng của đại dịch covid- 19, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra những vấn đề mới; nhiều việc làm, kỹ năng cũ sẽ mất đi hoặc giảm mạnh, xuất hiện nhiều việc làm mới, kỹ năng mới; trí tuệ nhân tạo, robot, máy móc sẽ đóng vai trò ngày một lớn trọng sản xuất và thay thế nhiều vị trí việc làm hiện tại.

So với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp (quý II năm 2022 mới chỉ đạt 26,2%). Trong giai đoạn từ 2015 đến 2020, có 66,7% công nhân lao động có trình độ trung học phổ thông; 80% công nhân lao động tại các doanh nghiệp được đào tạo nghề (chủ yếu là doanh nghiệp tự đào tạo), 43% công nhân lao động được đào tạo lại, bậc thợ từ 4-7 (có tay nghề cao) là 22,5%; 7,7% công nhân lao động học ngoại ngữ, 7,1% công nhân lao động học tin học.

Cần 4 giải pháp phục hồi ổn định thị trường lao động sau đại dịch

Trong bối cảnh hiện tại, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đưa ra 4 giải pháp nhằm phục hồi, ổn định thị trường lao động sau đại dịch Covid-19. Bộ trưởng nhấn mạnh trước hết, cần tăng cường công tác thông tin truyền thông để khẳng định với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước: Thị trường lao động Việt Nam minh bạch, hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đủ điều kiện, khả năng để cung ứng nhân lực theo yêu cầu của các doanh nghiệp.

Khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực. Đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Rà soát, đánh giá, sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tổ chức thực hiện các biện pháp để giải quyết nhu cầu thiếu nhân lực cục bộ, giảm sự mất cân đối cung - cầu lao động; phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số; thu hút lao động tại chỗ, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo thích ứng cho lực lượng lao động đang làm việc.

Ngoài 4 giải pháp phục hồi sau đại dịch, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị một loạt các giải pháp khác để phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập. Đó là hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động.

Thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế.

Nghiên cứu, rà soát, đánh giá năng lực hệ thống các cơ sở đào tạo, các kiến nghị và đóng góp ý kiến của yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI để kịp thời triển khai các giải pháp đào tạo, nâng cao năng lực kỹ năng nghề cho công nhân lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp cho người lao động cả trước – trong – sau quá trình tham gia thị trường lao động; cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI, nhất là các ngành nghề khoa học - kỹ thuật - công nghệ và đào tạo các chuyên ngành mới trong chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn, IoT, chuỗi khối,… Tổ chức thực hiện các giải pháp phù hợp để phân luồng học sinh, sinh viên, hướng tới phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và cơ cấu phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế.

Đầu tư công tác dự báo cung – cầu, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động hiện đại, đồng bộ, có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm.

Hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm thông qua cung cấp thông tin và dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí cho người lao động khi tham gia thị trường lao động.

Phổ biến các hệ thống chứng nhận nghề, kỹ năng theo tiêu chuẩn quốc tế để hỗ trợ người lao động được tham gia các thị trường lao động trong và ngoài nước; và xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động đặc thù, nhất là cho phát triển thị trường lao động nông thôn, phát triển lao động làm công ăn lương trong khu vực kinh tế tư nhân và phát triển thị trường lao động trình độ cao.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm trình văn bản về phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nhân lực

Theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, thị trường lao động đang phát triển tốt. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi, hoàn thiện chưa thể đòi hỏi tất cả các vấn đề được giải quyết ngay mà những mâu thuẫn phát sinh chính là thúc đẩy sự phát triển. Quan trọng nhất, hàng năm, mức tăng trưởng được duy trì, thu nhập của người dân đều tăng lên.Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, lao động là một yếu tố đầu vào cơ bản của mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và của cả nền kinh tế. Cùng với xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển thị trường lao động, xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Đồng thời xác định lao động - việc làm là một trong những nội dung rất quan trọng trong chiến lược phát triển KTXH.

Thủ tướng cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề tới thị trường lao động trong nước. Trước tình hình đó, cùng với những giải pháp phòng, chống dịch bệnh, Đảng, Nhà nước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách về thị trường lao động. Nhờ đó, sau khi chuyển sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch covid-19”, thị trường lao động đã từng bước được phục hồi và phát triển, góp phần quan trọng vào sự khởi sắc của nền kinh tế - xã hội. Quy mô lực lượng lao động, tỷ lệ tham gia lao động và số người có việc làm tiếp tục tăng. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm.

Thủ tướng nêu một số câu hỏi gợi mở, đó là: Vì sao một lực lượng lớn lao động chất lượng cao được đào tạo ở nước ngoài không muốn quay về nước làm việc? Vì sao thời gian gần đây có một số lao động thuộc khu vực nhà nước có xu hướng chuyển dịch ra khu vực tư nhân? Vì sao lực lượng lao động xuất khẩu của nước ta thu nhập bình quân thường thấp hơn các nước trong khu vực, cạnh tranh quốc tế còn thấp? Vì sao người dân một số địa phương phải xa gia đình, con nhỏ, bố mẹ già, thậm chí bỏ đất đai, ruộng vườn để đi làm thuê nơi khác? Vì sao đời sống của một bộ phận công nhân ở các khu công nghiệp, thành phố lớn còn khó khăn, nhất là về vấn đề nhà ở? Vì sao vẫn còn những hiện tượng đình công ở một số khu công nghiệp? Vì sao chúng ta cần Chiến lược phát triển thị trường lao động khi thời điểm dân số vàng đi qua?

Thủ tướng nhấn mạnh, việc làm là nhu cầu thiết yếu của con người, thị trường lao động là một trong những cân đối lớn của nền kinh tế. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn chú trọng điều tiết, vận hành thị trường lao động lành mạnh. Thị trường cơ bản đã hình thành và từng bước vận hành theo đúng quy luật. Cụ thể, thị trường có những bước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, thể chế thị trường ngày càng toàn diện, quan hệ lao động được thiết lập hài hòa, hợp lý. Chính sách an sinh xã hội với người lao động cơ bản được thực hiện tốt, trong đó có việc tăng cường bao phủ bảo hiểm xã hội để đảm bảo sàn an sinh cơ bản. Cung lao động luôn dương trong nhiều năm, cầu lao động cũng liên tục tăng do tăng trưởng kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh, mỗi năm tạo thêm được 1,6 triệu việc làm mới.

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường lao động thời gian tới, Thủ tướng lưu ý trước hết cần nâng cao nhận thức về thị trường lao động. Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm, hệ thống giáo dục nghề nghiệp và lưới an sinh xã hội...

Hướng thị trường theo tiêu chí hiện đại với hệ thống quản trị sao để mỗi người lao động từ khi tham gia đến khi rời thị trường lao động được quản trị minh bạch, thống nhất, tạo điều kiện cho tham gia các hoạt động giao dịch việc làm, tiếp cận thông tin về thị trường lao động việc làm; để doanh nghiệp dễ tiếp cận cung lao động, nâng cao chất lượng lao động, cơ sở đào tạo có chiến lược, kế hoạch đào tạo, cung ứng kịp thời và sát với nhu cầu thực tiễn.

Chú trọng đầu tư cả về cơ chế chính sách, nguồn lực để xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng từ địa phương cấp tỉnh, cấp vùng tới toàn quốc, đa lĩnh vực theo ngành nghề, có các cấp trình độ khác nhau.

Đẩy mạnh xây dựng chính sách việc làm chủ động, phù hợp với cơ chế thị trường, đa dạng hoá các nguồn tín dụng để thúc đẩy việc tạo việc làm mới, việc làm sáng tạo, chất lượng cao, việc làm bền vững, việc làm xanh, việc làm cho chuyển đổi số, chuyển đổi nang lượng, việc làm cho đối tượng yếu thế.

Cần quan tâm tới việc dịch chuyển lao động, việc làm theo địa lý, địa bàn, đảm bảo có cơ cấu phân bổ lao động việc làm hợp lý trên toàn quốc; có cơ chế khuyến khích hỗ trợ dịch chuyển lao động, hỗ trợ các địa bàn còn yếu kém; đẩy mạnh liên kết thị trường việc làm giữa các vùng trong nước, hình thành cơ chế kết nối cung cầu tự động giữa thị trường trong và ngoài nước.

Đặc biệt, Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ban, ngành, các địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu, tham mưu, sớm trình Thủ tướng một văn bản, có thể là một Chỉ thị hoặc Nghị quyết về tập trung nguồn lực để phát triển thị trường lao động và nâng cao chất lượng nhân lực nhằm phục hồi nhanh kinh tế xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

“Đây sẽ là bước quan trọng khởi đầu cho sự phát triển của thị trường lao động trong thời gian tới theo hướng linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập”, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ hy vọng.