Vấn đề phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các quyền của trẻ em cũng như những việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Chương trình nghị sự toàn cầu về phát triển bền vững đến năm 2023 mà Việt Nam đã cam kết thực hiện. Đồng thời đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.

Bởi vậy, mới đây, liên bộ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ký kết Quy chế phối hợp liên ngành về thực hiện “Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018-2025” với mục tiêu xác định rõ trách nhiệm và tăng cường năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc triển khai đề án, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất, đồng bộ của các Bộ trong việc phối hợp triển khai đề án.

Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các mục tiêu nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời. Việt Nam đã nội luật hóa tất cả các quyền và các nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em của Công ước, từ Hiến pháp năm 2013 đến Luật trẻ em năm 2016 và các bộ luật, các luật có liên quan.

Trách nhiệm của nhà nước, gia đình, cá nhân, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế về bảo đảm cho trẻ em được chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, được giáo dục và học tập, được bảo vệ để có môi trường sống an toàn, được vui chơi, giải trí và được thực hiện quyền tham gia được quy định cụ thể. Trong đó, đầu tư và hỗ trợ vì sự phát triển toàn diện của trẻ em là quan điểm xuyên suốt các quy định pháp luật và các chính sách an sinh xã hội của Việt Nam.

Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã đưa việc thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi để trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và các mối quan hệ xã hội.

Việt Nam đang triển khai thực hiện các chính sách chăm sóc cho bà mẹ thời kỳ mang thai và sau khi sinh; các chính sách chăm sóc và giáo dục cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi và trước tuổi đi học tiểu học; các chính sách hỗ trợ lứa tuổi giáo dục phổ thông trong đó ưu tiên cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thiệt thòi về cơ hội phát triển. Kết quả là: Tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi được cải thiện, tỷ lệ này đã giảm và Việt Nam đã thuộc các nước trong khu vực dưới 20%, trẻ em được chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn, các bệnh dịch nguy hiểm được đẩy lùi nhờ việc hầu hết trẻ em được tiêm chủng. Hầu hết trẻ em được đến trường: trẻ 3-36 tháng đạt 28.2%; trẻ 3-6 tuổi đạt 92.4%. Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp xã hội ngày càng tăng. Số trẻ em bị tai nạn, thương tích có xu hướng giảm dần.

Thứ trưởng Bộ Lao đông- Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, việc các Bộ cùng nhau thống nhất và triển khai Quy chế liên ngành sẽ góp phần quan trọng để hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao đồng thời góp phần quan trọng trong thực hiện Chương trình nghị sự toàn cầu về phát triển bền vững đến năm 2023 mà Việt Nam đã cam kết thực hiện.

“Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể thực hiện tốt nhiệm vụ hướng dẫn, điều phối triển khai đề án”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng đánh giá cao sự chủ động của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong việc xây dựng dự thảo Quy chế liên ngành giữa 04 Bộ.

Theo Thứ tưởng Nguyễn Trường Sơn, trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 đã ảnh hưởng và làm tổn thương nặng nề đối với trẻ em, khiến hàng nghìn trẻ em bị mồ côi cha mẹ thì quy chế sẽ tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ để mỗi cơ quan hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Cùng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tạ Quang Đông đánh giá cao việc các Bộ tham gia ký kết và triển khai quy chế phối hợp liên ngành để thống nhất trong triển khai các chính sách về chăm sóc toàn diện trẻ em. Trong chức năng, nhiệm vụ được giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan để triển khai có hiệu quả quy chế này.

Với vai trò, trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết, trong giai đoạn tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ có tác động đến việc nâng cao chát lượng nuôi dưỡng, chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ em trong những năm đầu đời. Trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục mầm non bị ảnh hưởng nặng nề do trẻ em không đến trường, không học trực tuyến, vì vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tập trung trình Chính phủ các chính sách và giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ giáo dục mầm non, đặc biệt là giáo dục mầm non ngoài công lập để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bảo đảm chất lượng phát triển toàn diện trẻ em như mục tiêu đề án đặt ra.

Cũng tại buổi lễ ký kết, Trưởng Đại diện Unicef tại Việt Nam chia sẻ, hợp tác liên ngành là tâm điểm quan trọng để thúc đẩy phát triển toàn diện trẻ thơ mà vốn dĩ không thuộc trách nhiệm của riêng một bộ ngành nào. Việc có được một cơ chế hợp tác liên ngành hiệu quả, giúp bảo đảm cung cấp các dịch vụ chăm sóc toàn diện đến với trẻ và là nền tảng giúp dịch vụ phát triển toàn diện trẻ thơ được mở rộng một cách bền vững ở Việt Nam.