Chúng ta thường nói “Phụ nữ là để yêu thương”. Nhiều đấng “mày râu” khi được hỏi cũng nêu quan điểm “phụ nữ là để cầm tay, chứ không phải vung tay”. “Tôi chưa bao giờ dùng một lời nói hay hành động nào làm tổn thương đến vợ con. Mình là nam giới, là phái mạnh thì phải thể hiện là trụ cột. Nếu dùng bạo lực để làm tổn thương phụ nữ thì đó là hành động của một kẻ hèn”, một nam giới khẳng định. Tuy nhiên, kết quả điều tra quốc gia năm 2021 cho thấy vẫn còn tới 32% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục. Còn theo thống kê xã hội học, xét trên bình diện giới thì có đến 90% nạn nhân của bạo lực là phụ nữ.
Trao đổi với phóng viên VOV2, Ths. Bs. Phạm Vũ Thiên, Trung tâm Sáng kiến Sức khoẻ và Dân số cho rằng nguyên nhân cơ bản của vấn đề này là do nhận thức của một bộ phận nam giới. Họ chưa nhận thức chưa đúng, chưa đủ về pháp luật cũng như trách nhiệm của mình trong việc phòng chống bạo lực gia đình nên đã có những hành vi vi phạm pháp luật, mà cụ thể là Luật Phòng chống bạo lực gia đình. “Định kiến về giới đã ăn sâu vào nhiều nam giới. Họ luôn muốn thể hiện thế mạnh của mình và hành động thường là bạo lực”, ông Thiên phân tích.
Theo Ths. Bs. Phạm Vũ Thiên, sự tham gia của nam giới trong việc phòng chống bạo lực gia đình là vô cùng quan trọng. Để tất cả nam giới đều “cầm tay” người phụ nữ yêu thương của mình thay vì “vung tay”, thì cần giải quyết tận gốc vấn đề “định kiến giới” bằng cách đẩy mạnh công tác truyền thông. “Việc phổ biến pháp luật cần làm tích cực hơn, hình thức truyền thông phải đa dạng hơn, hiệu quả hơn”, ông Thiên nhấn mạnh.
Nghe cuộc bàn luận dưới đây: