Ngày 21/6, Hội LH Phụ nữ Hà Nội tổ chức trao giải cho các thí sinh tham gia 2 cuộc thi “Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em” và cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu quy định pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động”.

2 cuộc thi này được phát động song song từ trung tuần tháng 4 đến 21/5/2022. Theo đó, cuộc thi “Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống xâm hại cho phụ nữ và trẻ em’’ được tổ chức bằng hình thức video clip. Thí sinh tham dự thi xây dựng video clip tự thuyết trình tuyên truyền phổ biến kiến thức hoặc hướng dẫn kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật, thời lượng thuyết trình từ 10-12 phút.

Cuộc thi nhằm góp phần thay đổi nhận thức cộng đồng trong các vấn đề liên quan đến bạo lực giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái. Đồng thời củng cố, trau dồi kiến thức, kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; sự sáng tạo trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giúp báo cáo viên, tuyên truyền viên nắm được vai trò, ý nghĩa của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Với cuộc thi “Tìm hiểu quy định pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động” tổ chức theo hình thức thi trực tuyến.

Sau 1 tháng phát động và triển khai tại 6 đơn vị (Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Đống Đa, Đông Anh, Ứng Hòa), Ban Tổ chức đã nhận được 17 video clip tập trung vào các nội dung tuyên truyền kiến thức pháp luật về giới và bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống quấy rối tình dục và các vấn đề xã hội liên quan… và hơn 42.000 lượt dự thi trực tuyến.

Điểm chung của cả 2 cuộc thi là một trong các hình thức đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội. Hiện nay, các cấp Hội đang duy trì, nhân rộng nhiều mô hình tuyên truyền pháp luật tại cộng đồng về các lĩnh vực và theo từng nhóm phụ nữ khác nhau. Cụ thể như các mô hình: Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, “Nhóm phụ nữ nòng cốt tuyên truyền pháp luật”, Câu lạc bộ “Phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em”, Câu lạc bộ “Phụ nữ và gia đình thực hiện an toàn giao thông”, Câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, Câu lạc bộ “Phụ nữ lên tiếng uống có trách nhiệm thực hiện an toàn giao thông”...

Hơn 50 giải thưởng được trao cho các thí sinh tham dự ở cả 2 cuộc thi, nhưng điều quan trọng hơn cả là mỗi người tham dự, dù được giải hay không cũng thu nhận cho mình những điều hữu ích như chia sẻ của chị Nguyễn Thị Bích Thủy, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội: “Tôi tham gia thi vì nghĩ đây là cơ hội để mình tìm hiểu, nâng cao hiểu biết về luật pháp, về bình đẳng giới. Tôi nghĩ, bản thân phụ nữ trước hết cũng phải có hiểu biết về Luật bình đẳng giới nói riêng và kiến thức luật pháp nói chung, để bảo vệ quyền lợi cho chính mình, sau đó là lan tỏa đến cho nhiều chị em. Nếu phụ nữ hiểu biết, nắm vững về luật pháp sẽ hạn chế được tình trạng bạo lực gia đình”.

Còn chị Lê Na, hiện đang công tác tại Văn phòng Quốc hội có điều kiện tìm hiểu nhiều chính sách pháp luật liên quan đến bình đẳng giới, do đó chị tham gia cuộc thi với mong muốn góp phần công sức nhỏ bé của mình để thay đổi cách nhìn nhận của xã hội về giới. “Tôi nghĩ rằng những cuộc thi như thế này rất quan trọng, đó là một trong những biện pháp tuyên truyền pháp luật hữu hiệu. Vì để tham gia dự thi bắt buộc các thí sinh phải tìm hiểu kỹ về các chính sách pháp luật. Từ đó có thể nâng cao hiểu biết, kiến thức của mình để góp phần phòng, chống những hiện tượng trong bạo lực gia đình, nâng cao vị thế của chính mình trong gia đình và trong xã hội”.

Các cuộc thi không chỉ là một cách hữu hiệu để nâng cao hiểu biết của chị em phụ nữ mà quan trọng hơn nó còn tác động thúc đẩy chị em chủ động lên tiếng, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.