“Nếu con đường của bạn chỉ gói trong thành phố, đại lộ chính là từ nhà đến cơ quan thì tiền mua xe để tiết kiệm có dư đi taxi, khỏi cần nghĩ. Còn nếu đã mua xe hơi, những cỗ máy có khả năng tăng tốc từ vị trí xuất phát đến 100 km/h chỉ tính bằng giây, phút thì “bán kính cuộc đời” không chỉ là vài cây số, vài chục cây số, mà là hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn cây số…Tất cả là những ngày tôi được sống với nhiều đời sống khác, để thấy mình rộng mở hơn và cũng bé nhỏ hơn trong thế giới bao la nhưng cũng gần gũi này. Đây là những dòng nhà báo Phạm Thủy, nguyên Phó tổng biên tập báo Thể thao&Văn hóa, hiện phụ trách chuyên trang Xe và đời sống trong cuốn sách “Mở rộng bán kính đời mình” của chị xuất bản năm 2023.
Tình cờ đến với thế giới ô tô, địa hạt lâu nay dường như đàn ông chiếm vị thế trên nhiều phương diện, nữ nhà báo Phạm Thủy đến nay đã có 24 năm kinh nghiệm cầm lái trên các cung đường xuyên Việt không biết bao nhiêu lần, tự trải nghiệm các tuyến cao tốc hiện đại bậc nhất Châu Âu.
Từ góc nhìn của người trong cuộc, bằng ngòi bút của một nhà báo kỳ cựu, những “nguyên liệu” gồm những pha gay cấn, những tình huống thực tế thu được trên các cung đường cùng “gia vị” là sự hóm hỉnh đem đến cho độc giả những bí kíp an toàn để tự do trải nghiệm những cung đường. Và rộng hơn thế, xa hơn thế, độc giả, kể cả những người không tham gia vào thế giới xe cộ, tốc độ vẫn tìm được cho mình cảm hứng “Mở rộng bán kính đời mình”.
Và câu chuyện lái xe càng mang tính thời sự khi gần đây trên cao tốc của chúng ta liên tiếp xảy ra các tai nạn làm thiệt hại người và của. Hẹn gặp nhà báo Thủy Phạm không dễ khi chị là con người của xê dịch, của những chuyến “vần” vô-lăng khắp các cung đường dọc ngang Bắc-Nam, Đông- Tây. Một ngày mùa xuân mưa và lạnh, tại Café thứ 7, câu chuyện giữa phóng viên VOV2 với nhà báo Phạm Thủy bắt đầu bằng an toàn trên những hành trình lái xe.
Phóng viên: Xin chào nhà báo Phạm Thủy! Gặp chị, việc đầu tiên tôi muốn nhắc tới cuốn “Mở rộng bán kính đời mình”. Một cuốn sách cực nhiều cảm xúc và thực lòng mà nói nó giống như truyền cảm hứng xê dịch, cảm hứng thay đổi ở mọi người, đặc biệt phụ nữ. Tuy nhiên, xịn lỗi chị khi vẫn phải nói bản in xấu từ font chữ, hình họa, thiết kế đến cả việc không có bán ở bất kỳ đâu?
Nhà báo Phạm Thủy: Thực ra mà nói, ban đầu mình không hề có ý định xuất bản sách. Một người bạn cũng làm báo thúc mình làm. Khi đưa bản thảo cho bạn ấy, mình thực sự chưa nghĩ gì nhiều bởi những bài viết này chỉ cho bản thân, cùng lắm là bạn bè thôi. Làm sách có nghĩa sẽ mở rộng tới độc giả. Mà thực lòng mình nghĩ chuyện lái xe chắc không có mấy độc giả quan tâm. Thú vị là bạn thiết kế sách là người chưa lái xe, không biết lái xe. Đọc xong bạn ấy cũng phản hồi rằng rất thích. Thế là bắt đầu cuộc chơi của những người thích. Trước đó mình đã tham gia dự án lái xe an toàn của Ford thì nghĩ biết đâu những trải nghiệm bản thân sẽ có ích cho những người cầm lái nhiều khi vì vô tình không để ý những chi tiết bé xíu khi trên đường, ví dụ như còi xe, nhưng sử dụng điện thoại khi lái xe... Cuốn sách ra đời không theo trình tự một cách chuyên nghiệp mà đều gồm những tay ngang tham gia cuộc chơi như mình thì viết, một bạn thiết kế, một bạn lo in. Hôm ra mắt trong Sài Gòn mình còn không biết có ai đến dự không? Thật bất ngờ khi hôm đó đông không có chỗ ngồi.
Phụ nữ lái xe không tệ!
Phóng viên: Ở “Mở rộng bán kính đời mình”, tôi đặc biệt chú ý tới bài viết nhan đề “Haruki Murakami đã sai lè như thế nào khi chê phụ nữ lái xe?”. Tôi không cho rằng Murakami có định kiến gì với chị em khi ngồi sau vô-lăng. Tuy nhiên, khoa học cũng đã chứng minh khả năng lái xe của phụ nữ sẽ khó được như đàn ông. Nhưng chị đã cho thấy nhiều điều ngược lại với nhận định này?
Nhà báo Phạm Thủy: Thực ra nhận định đấy không phải định kiến mà mình phải công nhận có một phần sự thật. Mình có đọc một số nghiên cứu về mặt khoa học, họ đã xác định có một số vấn đề về y sinh, cụ thể những hormone khác nhau, giới tính khác nhau chi phối hoạt động lái xe. Phụ nữ có những điểm khác với đàn ông khi điều khiển xe nhưng không có nghĩa chị em kém toàn phần. Có những điểm yếu hơn nhưng ngược lại có điểm đàn ông lại thua phụ nữ. Khi hiểu rõ mình sẽ không chủ quan. Những thiết kế “trời cho” bị coi như hạn chế mình sẽ chú ý hơn, không chủ quan sẽ khắc phục được.
Thực tế những khảo sát bằng con số cụ thể ở nước ngoài cho thấy đàn ông lái xe gây tai nạn nhiều hơn phụ nữ, không hề cảm tính nhé. Còn ở Việt Nam, việc lái xe phổ biến mới chỉ gần đây thôi, khoảng hơn 10 năm thì lượng phụ nữ lái xe nhiều hơn nhưng vẫn ít so với nam giới. Và nhiều anh em khá lớn tiếng chê chị em trong việc lái xe.
Phóng viên: Bản thân chị có hơn 20 năm lái xe, sáng lập và điều hành nhiều năm CLB Phụ nữ và Xe hơi, chị thấy lợi thế của giới nữ khi "vần" vô-lăng gồm những gì?
Nhà báo Phạm Thủy: Tôi cho rằng điểm đầu tiên thuộc về lợi thế nằm ở việc tính hiếu thắng của chị em không lớn như anh em, cũng không bị kích thích bởi tốc độ, không dễ mất bình tĩnh và số đông đàn ông dễ bị phân tán hơn (Tôi không nói tất cả nhé), ví du như khi thấy một cô gái ăn mặc nổi bật hoặc vóc dáng hấp dẫn. Chị em cũng không ham ganh đua tốc độ, không có ý định vượt tốc hay dằn mặt các lái xe khác trên đường. Và thêm nữa đàn ông Việt Nam uống nhiều hơn. Tất nhiên thời gian này việc kiểm soát uống với lái xe gắt gao nên đã hạn chế anh em uống nhiều trước khi lái xe. Nhưng thời gian trước thì các anh sử dụng đồ uống có cồn nhiều hơn. Rõ ràng đây là lợi thế của phụ nữ khi cầm lái.
Phóng viên: Như chị trong giới lái xe sẽ gọi là “lái già”. Vậy có điều gì chị muốn chia sẻ với chị em để họ dám vượt qua chính mình, dám điều khiển cỗ máy với tốc độ, làm chủ khối kim loại với cả trăm nút bấm khác nhau và quan trọng nhất là đảm bảo an toàn?
Nhà báo Phạm Thủy: Khi điều khiển một chiếc xe, đồng nghĩa với tốc độ, mọi người chắc đã xem phim “Quá nhanh, quá nguy hiểm”. Tốc độ luôn kèm rủi ro. Làm chủ tốc độ, kiểm soát tốc độ vô cùng quan trọng. Chữ có trong các chương trình an toàn hay biển báo giao thông đều nhắc đến đó là “Làm chủ tốc độ” đã bao quát tất cả. Không phải nhanh, không phải chậm mà khi bạn làm chủ mới có sự an toàn. Ngoài tốc độ thì còn làm chủ cả những chi tiết nhỏ như việc đậu xe chẳng hạn. Mình phải biết điểm đến có chỗ nào để ta dừng lại. Chuyến đi của mình mình quyết định điểm đi, điểm đến, hành trình rẽ ngang dọc…Đó là làm chủ. Rộng hơn nữa phụ nữ sẽ làm chủ cuôc đời mình khi biết quyết định thời điểm tăng tốc, khi nào cần giảm tốc và khi nào dừng lại. Mình làm chủ tức là mình tự tin.
Phóng viên: Phụ nữ lái xe, có những nguyên tắc nào chị luôn tuân thủ khi đặt tay lên vô-lăng?
Nhà báo Phạm Thủy: Thực ra nguyên tắc an toàn lái xe không có chia ra cho nam hay nữ. Một khi mình đã ngồi lên vị trí lái thì phải tuân thủ. Phải thú nhận là dù đã học, đã trải nghiệm nhưng không phải mình tuân thủ được 100% khi lái xe, vẫn có những giây phút chủ quan, xao nhãng. Nhưng trong 24 năm lái xe, phải nói thực sự là tập trung khi cầm lái là điều chắc chắn cho an toàn. Và có những chi tiết rất nhỏ mình hay coi thường, nghĩ rằng không quá quan trọng nhưng thực sự lại quá quan trọng với cá nhân mình và cả những người khác.
Tôi lấy bằng lái xe năm 2000 nhưng đến 2004 sang Anh, lần đầu lái ở Châu Âu mới biết có một lỗi cực kỳ lớn mà suốt 4 năm lái xe ở Việt Nam mình luôn mắc lỗi mà không hề biết. Đó là không thắt dây an toàn. Hoàn toàn trong đầu không có chút suy nghĩ hay lăn tăn gì về điều này. Nhưng khi sang Anh, vừa ngồi lên xe mình bị nhắc luôn và kèm một câu “70 bảng nếu bạn quên chiếc dây an toàn”. Đầu tiên mình chưa nghĩ đến an toàn đâu mà nghĩ đến việc mất tiền. Nên sau đúng 1 tuần ở Anh đến giờ thành thói quen đến mức dù lái vài trăm mét thôi nhưng nếu không thắt dây an toàn tôi không lái được. Sau đó tôi đọc và tìm hiểu vai trò cực kỳ quan trọng của sợi dây mỏng manh trong việc giữ an toàn, có thể gọi là “sợi dây sinh tử”. Trước khi hình thành ý thức phải là chế tài, làm cho mình sợ, làm cho mình chú ý đến điều đó sẽ thành ý thức.
Lái xe cần có "ngôn ngữ chung" mới có thể an toàn
Phóng viên: Đọc “Mở rộng bán kính đời mình” , độc giả có những giây phút thăng hoa khi cùng chị vút trên những cung đường đẹp nhất Châu Âu, đặc biệt là cao tốc. Cá nhân chị thấy điều khiển xe trên cao tốc ở Việt Nam với các quốc gia khác thì ở đâu dễ chịu hơn?
Nhà báo Phạm Thủy: Ở Việt Nam mình trước và sau Tết xới lên câu chuyện lái xe trên cao tốc, tôi thấy thực sự rất cần thiết vì loại đường này ở nước ta còn non trẻ, mới phổ cập và gần nối liền Nam Bắc, số lượng tiếp cận với loại đường tạm gọi là cao tốc đi chưa thể so sánh với các quốc gia phát triển với hệ thống cao tốc cả trăm năm nay. Chi phí xây dựng cũng như duy tu cao tốc cực kì tốn kém nên không phải quốc gia nào cũng có thể làm với hệ thống lớn, hiện đại. Ngay cả ở Đức với hệ thống cao tốc hiện đại, cho phép lái tự do tốc độ trong một số đoạn, cách đây 2 năm chính người Đức đã phải tranh luận có nên tiếp tục phát triển loại đường này không khi chi phí cao quá. Vậy nên chúng ta phải chấp nhận hành trình phát triển phải từng bước. Những tai nạn xảy ra trên các tuyến cao tốc của chúng ta gần đây cần được nhìn nhận và rút kinh nghiệm để điều chỉnh, giảm thiểu tai nạn. Tôi đi xuyên Việt khá nhiều, năm nào cũng đi nên thấy hầu như năm nào cũng sẽ có những tuyến mới, rất thú vị để mình khám phá. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa cái mới sẽ tiềm ẩn những cái không an toàn do mình chưa quen, nhiều tình huống. Một trong những nguyên tắc an toàn nằm ở “đường quen, xe quen”.
Phóng viên: Là người hầu như năm nào cũng tự lái xe xuyên Việt và sử dụng nhiều đường cao tốc, chị thấy ý thức và cách thức vận hành của lái xe trên những cung đường phải nói đắt đỏ bậc nhất trong xây dựng cũng như duy tu?
Nhà báo Phạm Thủy: Tôi không dám nói người khác mà từ câu chuyện của bản thân. Năm 2016, khi lần đầu tiên lái xe trên cao tốc ở Đức là thời điểm đã 16 năm lái xe ỏ Việt Nam tôi không dám lái một mình vì biết có quá nhiều vấn đề mới lạ. Nếu mình không nắm vững luật sẽ không thể kiểm soát được nên phải nhờ một người anh lái xe lâu năm ở Đức ngồi cùng để hướng dẫn từ đường nội đô đến đường cao tốc mất 4 ngày. Không hiểu mình sẽ mắc sai lầm mà hậu quả khi tốc độ cao như ở cao tốc không giới hạn như ở Đức, chỉ cần chuyển làn không đúng, xi nhan sai sẽ xảy ra tai nạn ngay lập tức, không có cơ hội sửa lại. Ở chúng ta với sự phát triển nhiều con đường mới cần nhanh chóng học nguyên tắc, học luật trong sử dụng không gian chung. Khi tất cả mọi người “nói chung một ngôn ngữ” sẽ hạn chế, giảm thiểu các tai nạn, va chạm. Chúng ta đang sở hữu những dòng xe hàng đầu thế giới, ngay sau khi ra mắt không lâu thì phải cập nhật luôn cả luật lệ, phương thức tham gia giao thông cho an toàn.
Phóng viên: Một vài lưu ý lái xe trên cao tốc từ nước ngoài theo chị hoàn toàn có thể áp dụng cho lái xe ở Việt Nam xin chị chia sẻ?
Nhà báo Phạm Thủy: Lái xe trên cao tốc sẽ chỉ có một trải nghiệm là lái, lái và lái, đều đặn như thế. Nước ngoài họ có nguyên tắc 2 tiếng sẽ nên dừng lại nghỉ ngơi. Ngay trên xe cũng có cảnh báo cứ 2 tiếng/lần. Mình nên thay đổi tư thế để tốt cho xương khớp.
Trong nhiều trường hợp tôi thích chọn đường trong phố hơn khi lái ở Châu Âu vì sẽ được đến những khu vực cực kì thú vị như các ngôi làng, các khung cảnh lãng mạn. Ở Việt Nam thì ngược lại. Mấy năm gần đây tôi đi xuyên Việt bằng cả quốc lộ và cao tốc. Nhưng quốc lộ hiện nay khá nguy hiểm khi có cùng lúc nhiều phương tiện khác nhau và giữ làn của mình là thứ không có, luôn đột ngột và gây ức chế, căng thẳng, dễ xảy ra tai nạn.
Cao tốc mình chưa có nhiều làn, khó so sánh chuẩn nhưng cũng phải thông cảm vì vừa làm đã phải đưa vào sử dụng nhằm giảm tải áp lực cho hệ thống giao thông. Bởi lẽ đó mình nên học cách “nhịn” một chút đảm bảo cho sự an toàn. Khi lái xe ở Châu Âu đôi khi bản thân thấy mình khá “mông muội”. Luật lệ giao thông cần phải được thực hành, rèn luyện hằng ngày để biến thành thói quen. Người Việt mình phải công nhận ý thức còn thấp, cần đẩy nhanh việc nâng cao ý thức. Ngoài ý thức của từng cá nhân cũng cần áp đặt từ chế tài nhằm hình thành ý thức bắt buộc, dần dần thành thói quen để thấy nhẹ nhàng, dễ chịu.
Ngay như chuyện ra vào vòng xuyến phải tuân thủ nguyên tắc thế nào thì bản thân tôi lúc trước không ý thức và nhiều người không biết. Cho đến khi lái xe ở Tây Ban Nha một vòng xuyến có đến 2 vòng xuyến với 12 lối ra và mật độ tham gia dày đặc mà nếu mình không nắm nguyên tắc sẽ không vào được.
Thứ nữa là việc từ đường phụ ra, nguyên tắc phải quan sát và nguyên tắc Stop ở mình còn rất ít. Ở nước ngoài, đường giao mà là đường phụ họ luôn viết chữ Stop xuống thẳng mặt đường để báo cho tài xế đến đó bắt buộc phải phanh lại dù đằng trước không có xe. Dừng lại để anh quan sát, nếu đảm bảo việc nhập làn an toàn mới được vào. Ở mình từ đường phụ cứ lao thẳng ra khiến việc va chạm ở đường giao rất nhiều do không có nguyên tắc dừng. Thêm nữa rất sợ việc sử dụng điện thoại. Nhiều khi thấy xe trước mình đi rất kì lạ, ngập ngừng không ra thế nào. Khi vượt lên mình thấy đang bấm điện thoại. Đi xe máy cũng thế, mắt dán vào điện thoại, không nhìn đường tí nào thì thật kinh hãi.
Phóng viên: Chị là phụ nữ lái xe. Có điều gì chị muốn nói với giới nữ để họ có thể tự tin hơn, dám bước lên và làm chủ tốc độ hay còn gọi là “Mở rộng bán kính đời mình”?
Nhà báo Phạm Thủy: Thực sự những gì mình đã đi rất ít, rất ngắn trên trái đất này. Nhiều bạn bè, anh chị chia sẻ những chuyến đi của mọi người thì nhiều cung đường còn đặc biệt hơn. Tôi không đặt ra mục tiêu chinh phục, chỉ thấy khi mình có cơ hội thì không bỏ qua.
Phóng viên: Nhưng rõ ràng khi biết lái xe bản thân đã chủ động hơn rất nhiều với những trải nghiệm, với cuộc đời mình?
Nhà báo Phạm Thủy: Chinh phục hay trải nghiệm có nhiều loại, không nhất thiết phải lái xe. Có người đi bộ, có người đi tốc độ kinh khủng hơn là lái máy bay vẫn trải nghiệm được, miễn là bạn thấy thoải mái và trong khả năng, tầm với của mình, không đặt ra những gì quá xa vời. “Mở rộng bán kính đời mình” với phụ nữ như cá nhân tôi thấy đơn giản chỉ là hãy nắm lấy và nới rộng càng nhiều càng tốt.
Phóng viên: Trân trọng cám ơn chị và chúc chị năm 2024 sẽ tiếp tục "mở rộng bán kính đời mình" hơn nữa. Đồng thời chúc những người lái xe, đặc biệt chị em phụ nữ luôn an toàn trên các cung đường.