Theo quyết định 3642 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành mới đây về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhiều thủ tục hành chính và các quy định đã được rút gọn. Đó là một trong những nội dung được ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với PV VOV2.

Phóng viên: Thưa ông Nguyễn Quốc Khánh, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3642 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch covid- 19. Vậy ông có thể cho biết Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội đang phối hợp với các ban, ngành, cơ quan chức năng của thành phố triển khai hỗ trợ các nhóm đối tượng cụ thể như thế nào?

Ông Khánh: Phải nói rằng ngay từ khi dự thảo quyết định, nay là quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ, Sở lao động thương binh xã hội cũng đã rất chủ động phối hợp kịp thời với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã. Và ngay sau khi thành phố ban hành quyết định số 3642 thì Sở cũng đã có văn bản số 4280 gửi đến các sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, tổ chức triển khai quyết định số 3642, đảm bảo kịp thời.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các sở, ngành, quận, huyện quan tâm phối hợp triển khai một số nội dung quan trọng cụ thể như tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn được quy định tại Quyết định 23 và Quyết định 3642 của Ủy ban nhân dân thành phố.

Thứ hai là chỉ đạo tổ chức triển khai kịp thời các nhiệm vụ đã được phân công tại Quyết định 3642 Ủy ban thành phố đảm bảo công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật. Kiên quyết xử lý các trường hợp sai phạm gây khó khăn, phiền hà, chậm trễ. Quá trình triển khai thực hiện kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố những vấn đề vượt thẩm quyền nội dung. Thứ ba là hướng dẫn người lao động, người sử dụng lao động và các đơn vị có liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, kịp thời liên hệ với cơ quan cấp trên để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh. Xây dựng đường dây nóng để kịp thời lắng nghe ý kiến của người dân, người sử dụng lao động. Giao cho thanh tra Sở chủ trì, phối hợp các Phòng nghiệp vụ có liên quan tham mưu, đề xuất thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành việc tổ chức triển khai quyết định số 3642

Phóng viên: Theo ông thì quyết định 3642 này sẽ có những điểm thuận lợi như thế nào đối với người lao động, đặc biệt là lao động tự do và ông có cần lưu ý điều gì đối với đối tượng này?

Ông Khánh: Trong Quyết định 3642 phải nói đã có nhiều điểm mới và tạo thuận lợi nhất cho người lao động và người sử dụng lao động. Cụ thể như đã rút ngắn quy trình và thời gian giải quyết, quy định thuận lợi hơn cho các đối tượng hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi nhất trong quá trình triển khai thực hiện.

Cụ thể, 7/12 thủ tục hành chính được UBND Thành phố ủy quyền/giao cho: Sở LĐTB&XH, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Y tế, Sở Du lịch, Công an Thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô và UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt danh sách.

Người lao động chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì có thể gửi hồ sơ đến trung tâm dịch vụ vừa làm và 15 điểm sàn giao dịch việc làm tại một số quận, huyện, thị xã (theo quy định chỉ gửi hồ sơ đến Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐTB&XH). Sau khi rà soát, Trung tâm dịch vụ việc làm gửi danh sách những người đủ điều kiện hưởng hỗ trợ đến Sở Lao động Thương binh Xã hội tới 4 lần/tháng (theo quy định thì chỉ cần 2 lần/tháng thôi). Như vậy là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người sử dụng lao động cũng như người lao động.

Đặc biệt tại quyết định số 3642 đã quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện hỗ trợ, mức hỗ trợ, hồ sơ, trình tự, thủ tục đối với chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, tức là lao động do thì theo quy định này quy định rất rõ. Tổng thời gian giải quyết quy định này từ khi tiếp nhận đến khi phê duyệt là 6 ngày, giảm 2 ngày so với trước đây áp dụng theo Nghị quyết 42.

Phóng viên: Việc triển khai hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch covid- 19 là cấp bách nhưng vẫn phải đảm bảo đúng đối tượng tránh trục lợi. Vậy Hà Nội giám sát và kiểm tra việc này như thế nào để tránh những hành vi gian lận đáng tiếc có thể xẩy ra?

Ông Khánh: Phải nói rằng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì tham mưu cũng đã nhận thức rất rõ nội dung này. Ngay từ khi dự thảo thì Sở cũng đã đưa nội dung này vào trong dự thảo và cũng đã được các Ủy ban quận, huyện, thị xã và các sở, ngành góp ý kiến. Trong quy định đã quy định rất rõ, Sở Lao động - Thương binh Xã hội sẽ chủ trì tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành việc thực hiện chính sách hỗ trợ, kiên quyết xử lý các trường hợp sai phạm và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố các vấn đề vượt thẩm quyền.

Trong quyết định cũng quy định rất rõ trách nhiệm các sở, ngành... tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề công tác triển khai thực hiện theo nhiệm vụ được phân công, phải kiên quyết xử lý các trường hợp sai phạm. Nội dung này các sở, ngành có liên quan cũng đã xây dựng kế hoạch. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thiết lập đường dây nóng tiếp nhận ý kiến phản ánh, kiến nghị giải đáp thắc mắc của người dân, người sử dụng lao động và người lao động trong việc triển khai trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ này. (Số điện thoại đường dây nóng: 0243.834.4643)

Trân trọng cảm ơn ông!