Những bữa cơm gia đình đầy ắp tiếng cười và đầy đủ thành viên là mong ước của rất nhiều gia đình. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại điều ước ấy không phải gia đình nào cũng thực hiện được. Hiểu được điều đó nên mỗi khi không phải đi công tác, gia đình anh Huỳnh Nguyễn Tuấn Phong luôn cùng nhau ăn cơm dù thời gian của các thành viên không trùng nhau.
Anh Phong cho biết, thông qua những bữa cơm sẽ giúp các thành viên trong gia đình chia sẻ, chăm sóc nhau trong cuộc sống hàng ngày, từ đó có trách nhiệm, tạo nên sự gắn kết, yêu thương và chia sẻ. “Bữa ăn gia đình là thời điểm các thành viên trong gia đình có thể ngồi gần lại với nhau để có thể trò chuyện, trao đổi những vấn đề khó khăn hay những việc vui hàng ngày” – anh Phong nói.
Khi con cái đã trưởng thành, lập gia đình, dù không sống cùng bố mẹ nhưng các thành viên trong gia đình vẫn luôn quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Dù không ở cùng nhưng sợi dây liên kết, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giữa ông bà và các cháu vẫn luôn duy trì. Có được điều đó là do sự tôn trọng lẫn nhau giữa các thế hệ trong cả cách ứng xử và giáo dục hàng ngày.
Bạn Nguyễn Thành Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, cha mẹ và con cái có thể trò chuyện với nhau để có thể hiểu rõ hơn về nhau, để chia sẻ những trải nghiệm vì cha mẹ chính là những người sẽ dạy con cái những bài học kinh nghiệm trong cuộc sống.
Còn chuyên gia tâm lý Lê Khanh nhấn mạnh, trong gia đình rất cần có sự nối kết giữa bố mẹ và con cái. “Chính sự nối kêt đó sẽ giúp chúng ta thấy được sự thay đổi của con, khó khăn của con và từ đó chúng ta có được sự chấp nhận, sự thấu hiểu. Chúng ta có được tình yêu thương và sự tôn trọng.”, chuyên gia tâm lý Lê Khanh chia sẻ.
Cuộc sống hiện đại đang dần thay đổi quan niệm sống cũng như cấu trúc gia đình ở các thành phố lớn khi gia đình hạt nhân hiện đang chiếm đa phần. Tuy không ở gần cha mẹ nhưng những người con vẫn luôn quan tâm, thăm hỏi và động viên cha mẹ nên tình cảm gia đình không có gì thay đổi. Chị Phạm Thị Duyên, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, mỗi thế hệ có một sự suy nghĩ khác nhau, không phải ở xa mà có sự chia cắt giữa gia đình. Theo chị Duyên, để tạo nên sự gắn kết, sự quan tâm của con cháu tới ông bà là điều cần thiết và quan trọng.
Chính sự quan tâm, tôn trọng con cháu của ông bà, cha mẹ đã tạo nên sự tự tin của con cháu, tạo nên sự tin tưởng trong gia đình. Dù khác biệt về tuổi tác, tính cách hay công việc nhưng những gia đình hòa thuận, cha mẹ, ông bà luôn tôn trọng, quan tâm tới con cháu sẽ tạo môi trường thoải mái, bình đẳng cho con phát triển. Gia đình vẫn là nơi thắp lửa, giữ ấm hạnh phúc và kết nối tình thân./.