Sáng nay 23/5, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV khai mạc, dự kiến kéo dài 19 ngày để làm công tác lập pháp, cho ý kiến các báo cáo và chất vấn thành viên Chính phủ.
Qua báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trình bày tại phiên khai mạc về “Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022”. Đông đảo các đại biểu tham dự kỳ họp lần này đều bày tỏ sự lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I năm nay. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng trong điều kiện kiểm soát được dịch bệnh như hiện nay cần có sự tăng tốc hơn nữa.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn TP. Hà Nội chia sẻ, Quốc hội đưa ra những quyết sách quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, và thông qua các Nghị quyết để ban hành các cơ chế đặc thù và cơ chế cấp bách đảm bảo phù hợp với yêu cầu của giai đoạn hiện nay.
“Tôi rất kỳ vọng những thảo luận trong Quốc hội và những quyết định của Quốc hội trong Nghị quyết của mình sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình triển khai một cách mạnh mẽ hơn các giải pháp để phục hồi kinh tế. Có thể nói Chính phủ đã có chương trình phục hồi và phát triển nền kinh tế, tuy nhiên việc triển khai các giải pháp còn khá chậm trễ, làm sao có thể đẩy nhanh được quá trình triển khai những giải pháp phục hồi nền kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.”- Đại biểu Vũ Tiến Lộc bày tỏ kỳ vọng vào kỳ họp thứ 3 này.
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2021; xem xét, quyết định việc chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát ngân sách nhà nước...
Dự kiến, 5 dự luật, 3 dự thảo nghị quyết sẽ được thông qua tại kỳ họp, gồm: Luật Cảnh sát cơ động, Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Các nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Trả lời phỏng vấn của VOV2, bà Nguyễn Thanh Hải, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao các dự án luật trình quốc hội tại kỳ họp này. “Những dự án luật này đã được chuẩn bị hết sức công phu, đã được lấy ý kiến rộng rãi. Đặc biệt đều mang hơi thở thực tiễn, phản ánh được nguyện vọng của nhân dân. Những dự án luật này nếu được thông qua sẽ tháo gỡ được nhiều điểm nghẽn mà trong quá trình thực thi ở địa phương chúng tôi gặp phải”- Đại biểu Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
Kỳ họp thứ 3 là kỳ họp trực tiếp dài nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Kỳ họp lần này diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên sau một giai đoạn dài của dịch bệnh chưa có tiền lệ thì nhiều vấn đề đang đặt ra như: Sức khỏe người dân hậu Covid-19, làm thế nào để bứt phá trong hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
“Tôi cho rằng có 2 vấn đề quan trọng, đó là chúng ta tiếp tục kiểm soát dịch Covid-19 một cách chắc chắn, bền vững, không chủ quan vì còn có thể có những biến chủng phức tạp. Vấn đề thứ 2 là cần kịp thời ổn định và phát triển kinh tế. Khi tôi đọc chương trình tôi thấy QH kỳ họp này tập trung cao độ cho cả 2 vấn đề đó. Quốc hội có tầm nhìn xa, chắc chắn để đưa đất nước phát triển” - Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Hà Nội bày tỏ.
Cử tri đề nghị xử lý nghiêm, tránh bỏ lọt tội phạm, bị can bỏ trốn trong các vụ án lớn.
Trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV sáng 23/5, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho hay cử tri, nhân dân bày tỏ niềm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý nhà nước, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của Quốc hội và điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Cử tri, nhân dân cũng tin tưởng vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Quyết liệt việc thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử công khai các vụ án tham nhũng lớn, xử lý nghiêm khắc cán bộ sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao.
Cùng với đó, cử tri, nhân dân bày tỏ sự bất bình, phẫn nỗ và lên án mạnh mẽ những hành vi trục lợi trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao. Sự tiếp tay, bao che của một số cán bộ, đảng viên đã làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Vì vậy cử tri, nhân dân cả nước mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm, bị can bỏ trốn; công khai, minh bạch kết quả điều tra, xét xử để nhân dân giám sát.
Bên cạnh đó là xem xét, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức có hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản…