Luân chuyển cán bộ là chủ trương đúng đắn, cần thiết nhằm rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện để cán bộ phát triển toàn diện về năng lực lãnh đạo, quản lý. Đồng thời, qua đó, tạo ra một đội ngũ cán bộ có năng lực, giàu kinh nghiệm thực tế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cũng có nơi, có lúc làm chưa đúng quy định của Đảng nên có một số cán bộ luân chuyển không phát huy được năng lực sở trường, thậm chí còn bị vướng vào kỷ luật.

Luân chuyển cán bộ đang bị lợi dụng, méo mó thực hiện sai so với quy định

Chia sẻ với PV VOV2, TS Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ khẳng định: Luân chuyển cán bộ là một chủ trương có từ rất lâu của Đảng ta. Đặc biệt tại Hội nghị lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 7 năm 1997 khi bàn về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước đã nêu câu chuyện luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý giữa các vùng, giữa các ngành, các cấp rồi sau đó Nghị quyết Bộ Chính trị số 11 năm 2002 cũng lại nói câu chuyện này. Và đặc biệt năm 2017 Bộ Chính trị đã ban hành quy định số 98 về luân chuyển cán bộ. Theo TS Hòa, tất cả các quy định này được ban hành kế tiếp nhau đều có sự tổng kết đánh giá, khẳng định những thành công đạt được cũng như những cái chưa đạt được như mong muốn.

Với góc nhìn của mình, TS Đinh Duy Hòa cho rằng kết của quá trình thực hiện luân chuyển cán bộ, nhìn tổng thể là rất tốt, tạo điều kiện, môi trường để cán bộ rèn luyện phấn đấu trong thực tiễn. Chính vì thế, rất nhiều cán bộ thông qua luân chuyển đã trưởng thành, phát triển nhanh hơn. Minh chứng cho nhận định này, TS Hòa lấy ví dụ về đợt trung ương quyết định luân chuyển 44 cán bộ về các tỉnh, thành vào năm 2014.

“Lần đầu tiên có một đợt luân chuyển với số lượng lớn như thế. Trong 44 cán bộ luân chuyển thì có tới 19 người đang giữ chức danh thứ trưởng, 25 Vụ trưởng, Cục trưởng và tương đương và được bố trí về làm Phó bí thư tỉnh ủy Thành ủy hoặc Phó Chủ tịch tỉnh, thành phố”. Không chỉ lớn về quy mô mà kết quả của đợt luân chuyển này, theo đánh giá của TS Hòa cũng rất thành công khi Đại hội năm 2016 có tới 11 người trong tổng số 44 cán bộ luân chuyển được bầu vào Ủy viên trung ương, ba người là ủy viên dự khuyết và khoảng 85% được bố trí trở lại các chức vụ tương đương sau luân chuyển.

Những kết quả của công tác luân chuyển góp phần tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ cho Đảng cho Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế trong quá trình tổ chức thực hiện thì “có nơi này, nơi kia, cấp này, cấp kia”, việc vận dụng chủ trương luân chuyển chưa thực sự như mong muốn, hiệu quả chưa cao. Thậm chí có những trường hợp dư luận cho rằng, luân chuyển không khác gì kiểu “lướt ván”, “tráng men”, “đá móc” để lên cao hơn.

“Đi 1,2 năm thậm chí là nửa năm chưa làm được gì cả đã lướt ván và quay trở lại được thăng chức. Cái thăng chức ấy không xuất phát bởi năng lực thực sự, bởi những việc mình làm được cho nơi mình mà hoàn toàn chỉ là lợi dụng cơ chế để đi lên”, TS Hòa phân tích. Sự méo mó ấy, cũng chính là một loại tham nhũng - tham nhũng trong công tác cán bộ. Loại tham nhũng này còn nguy hại hơn cả tham nhũng vật chất vì nó sẽ hình thành nên tầng lớp cán bộ cơ hội, chỉ lo xây dựng mối quan hệ để có lợi cho bản thân.

Quy định 65 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ phù hợp với tình hình mới

Mới đây, Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 65 thay thế Quy định số 98 năm 2017 của Bộ Chính trị khóa XII “Về luân chuyển cán bộ”. Theo Quy định này, phạm vi luân chuyển từ cấp trên xuống cấp dưới, từ cấp dưới lên cấp trên, từ địa phương này sang địa phương khác; giữa các cơ quan, tổ chức cùng cấp trong hệ thống chính trị. Đối tượng luân chuyển là cán bộ được quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp.

Quy trình luân chuyển thực hiện theo 5 bước:

Bước 1: Căn cứ vào nhu cầu luân chuyển cán bộ, cấp uỷ, tổ chức Đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị để xây dựng kế hoạch luân chuyển trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho chủ trương.

Bước 2: Căn cứ chủ trương của cấp có thẩm quyền, cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ trao đổi với các địa phương, cơ quan, đơn vị để đề xuất nhân sự luân chuyển.

Bước 3: Cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ tổng hợp đề xuất của các địa phương, cơ quan, đơn vị và tiến hành rà soát tiêu chuẩn, tiêu chí và dự kiến địa bàn, chức danh, nhân sự luân chuyển; lấy ý kiến nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến luân chuyển.

Bước 4: Cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ gửi văn bản lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan, trao đổi với cơ quan nơi đi, cơ quan nơi đến về dự kiến địa bàn, chức danh và nhân sự luân chuyển; tổng hợp kết quả thẩm định và trao đổi với cán bộ dự kiến luân chuyển. Tổ chức gặp gỡ cán bộ được luân chuyển để quán triệt mục đích, yêu cầu luân chuyển; đồng thời, nắm tâm tư, nguyện vọng và xác định trách nhiệm đối với cán bộ luân chuyển.

Bước 5: Cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện (công bố quyết định, chỉ đạo bầu cử và các công việc cần thiết khác).

Khi luân chuyển cơ bản thực hiện theo nguyên tắc bố trí giữ chức vụ tương đương với chức vụ đang đảm nhiệm. Trường hợp cần thiết, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí chức vụ cao hơn chức vụ đang đảm nhiệm đối với cán bộ có phẩm chất, năng lực nổi trội, có khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của chức vụ dự kiến phân công, bố trí.

Quy định 65 cũng quy định rõ tiêu chuẩn, điều kiện với cán bộ luân chuyển. Theo đó, phải có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực công tác và triển vọng phát triển; đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của chức vụ đảm nhiệm khi luân chuyển. Cán bộ được luân chuyển còn phải có đủ sức khoẻ và còn thời gian công tác ít nhất 10 năm công tác tính từ thời điểm luân chuyển. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thời gian luân chuyển ít nhất là 3 năm (36 tháng). Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Quy định mới của Bộ Chính trị cũng nêu rõ, việc bố trí công tác đối với cán bộ sau luân chuyển phải căn cứ yêu cầu công tác cán bộ của Đảng, nhiệm vụ chính trị, tình hình đội ngũ cán bộ của các địa phương, cơ quan, đơn vị và kết quả công tác, năng lực, sở trường của cán bộ gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị và nhận xét, đánh giá cán bộ của cấp có thẩm quyền.

Quy định 65 sẽ không còn “tráng men”, “làm đẹp hồ sơ”?

Chia sẻ với PV VOV2, rất nhiều người dân đánh giá cao và kỳ vọng, quy định 65 lần này của Bộ Chính trị cùng với các quy định khác sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của nhiệm vụ “then chốt của then chốt” trong xây dựng Đảng. Đặc biệt, quy định thời gian luân chuyển ít nhất là 3 năm được đánh giá là phù hợp để cán bộ thể hiện năng lực, bản lĩnh, nhất là tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, tránh việc đi chưa “ấm chỗ” đã quay về.

Theo phân tích của TS Đinh Duy Hòa, khác với quy định 98 trước đây nhấn mạnh cán bộ được luân chuyển là những người trẻ triển vọng, thì lần này quy định 65 chỉ rõ cán bộ luân chuyển là trong diện quy hoạch lãnh đạo. Điều đó cũng có nghĩa là không phải cứ cán bộ trẻ là sẽ luân chuyển để bổ nhiệm.

“Khái niệm trẻ rất chung chung và không ai đánh giá được cái này, cho nên việc quy định rõ cán bộ trong diện quy hoạch lãnh đạo là phù hợp”. TS Đinh Duy Hòa nêu quan điểm.

Một điểm mới nữa cũng được TS Hòa nhắc tới đó là chức danh luân chuyên theo quy định 65 là ở vị trí tương đương với chức vụ đang giữ. Trước đây chính vì chưa quy định cụ thể rõ ràng nên nhiều khi khi đi luân chuyển nghiễm nhiên tăng thêm một cấp. Điều này gây khá nhiều bức xúc trong dư luận và tác động tiêu cực tới công tác cán bộ.

Đặc biệt để tránh tình trạng lợi dụng, quy định lần này xác định rất rõ trách nhiệm của cơ quan tham mưu, trách nhiệm của cơ quan đưa đi, trách nhiệm nơi sử dụng cán bộ, thậm chí ngay bản thân cán bộ luân chuyển cũng phải chịu sự quản lý của cấp ủy có thẩm quyền.

Về thời gian luân chuyển, ít nhất phải 3 năm, khi trở về cũng không nhất thiết sẽ được bố trí vào chức vụ cao hơn mà sẽ phụ thuộc vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, quá trình đóng góp, cống hiến, phát triển và sự khẳng định mình của cán bộ được luân chuyển. Chính vì thế, sẽ khắc phục được câu chuyện đi luân chuyển chỉ để “tráng men”, hay “chạy” luân chuyển, rồi khi quay trở về để được lên chức cao hơn.

Dù đã có rất nhiều điểm mới, mang tính đột phá so với quy định trước đây, nhưng để kỳ vọng Quy định 65 khắc phục được toàn bộ những tồn tại bất cập trong công tác luân chuyển cán bộ bấy lâu là rất khó nhưng chắc chắn sẽ giúp công tác cán bộ ngày càng đi vào nền nếp, chặt chẽ hơn.

“Vấn đề quan trọng nhất vẫn khâu tổ chức thực hiện. Phải nghiêm túc, thường xuyên kiểm tra giám sát, đánh giá đúng mức với từng cán bộ được luân chuyển; đồng thời đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, đảm bảo khách quan, để việc luân chuyển cán bộ phát huy hiệu quả cao nhất”. TS Đinh Duy Hòa khẳng định.