Tại Việt Nam, năm 2023 bán lẻ hàng hoá trực tuyến sử dụng 1,84 tỷ gói hàng hoá, trong đó khối lượng bao bì, vật liệu nhựa là 306 nghìn tấn trên các nền tảng online. Đặc biệt, ngành quần áo, thời trang, phụ kiện và đồ ăn nhanh có đến 90% thương nhân sử dụng túi nylon, hộp, cốc nhựa để đóng gói.
Nghe bài viết tại đây:
Hai năm trở lại đây, chị Lê Thái Hà ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã giảm dần “tốc độ” mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng. “Siêu thị có hết ở điện thoại” – chị Hà nói, tay vẫn đang lướt trên trang mua hàng trực tuyến đã được cài đặt là trang mặc định khi mở điện thoại.
"Mua sắm online cực kỳ thuận tiện, có thể mua bất cứ thứ gì từ đồ gia dụng, thời trang, quà tặng, đồ ăn, cây cối thì đều có trên mạng. Bây giờ ship hàng cũng khá nhanh, ship hỏa tốc chỉ 1-2 giờ là nhận được hàng rồi" - chị Hà cho biết.
Tại hội thảo “Rác thải nhựa từ thương mại điện tử” vừa được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam vừa tổ chức tháng 4 vừa qua, ông Nguyễn Thanh Hưng, thành viên Hội đồng tư vấn cấp cao về thương mại điện tử của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, với tốc độ tăng trưởng trên 25% mỗi năm, có thể tới năm 2030, quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ gấp trên 4,7 lần hiện tại, khi đó lượng rác thải nhựa từ loại hình kinh doanh này sẽ lên tới 800 ngàn tấn”.
Sự bùng nổ mua sắm online đang thay đổi thói quen của các thế hệ từ trung tuổi đến trẻ em. Họ đã quá thuộc câu “cần gì lên mạng search”. Điều này càng thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số, lên chiến lược tiếp cận khách hàng online.
Chị Phan Thị Minh – chủ shop online ở Hải Dương cho biết dù muốn hay không thì thời buổi này, các thương nhân phải kết hợp bán online. "Mình có thể giảm chi phí mặt bằng hơn nhưng mình cũng phải thêm chi phí bao bì, băng keo, loại túi chống sốc để bọc hàng" - chị Minh tính toán, khách mua trực tiếp chỉ cần 1-2 lần bọc sản phẩm nhưng với khách mua online mỗi sản phẩm ít nhất 4 lần bọc, hoàn toàn bằng ni-lông.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Đáp - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, bài toán rác thải nhựa trước đây chưa giải quyết xong thì thế giới đón nhận làn sóng mua sắm trực tuyến hiệu quả chưa từng thấy kể từ khi đại dịch Covid-19, sẽ càng là thách thức cho trái đất: "Xu hướng mua sắm online đang ngày càng phát triển, bên cạnh sự tiện lợi trước mắt cũng tạo ra những hệ lụy lớn với môi trường. Đó là sự gia tăng chóng mặt của rác thải nhựa. Những vật liệu phụ dùng để chèn lót, băng dính, mút xốp cố định sản phẩm, màng bọc nilon…Do hầu hết rác thải nhựa này bỏ lẫn vào rác thải sinh hoạt khác nên chưa được phân loại và tỷ lệ tái chế rất thấp".
Theo chuyên gia này, rác thải nhựa từ bao bì vẫn có giá trị khi được thu gom và tái chế. Việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích như giúp giảm phát thải khí nhà kính trong toàn bộ chuỗi giá trị; tận dụng được nguồn nguyên liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác và tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên; hạn chế tối đa việc phát thải khí thải, chất thải rắn ra môi trường và đây cũng là hướng đi của nước ta trong những năm qua.
"Việt Nam đã sớm ban hành và nhận thức được kinh tế tuần hoàn trong lộ trình tăng trưởng xanh, phát triển bền vững trong đó có mục tiêu Net-zero. Luật bảo vệ môi trường năm 2020 quy định về kinh tế tuần hoàn, Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án kinh tế tuần hoàn và cũng giao Bộ Tài nguyên - Môi trường xây dựng kế hoạch quốc gia về kinh tế tuần hoàn, các địa phương cũng đang xây dựng dự thảo đề án kinh tế tuần hoàn phù hợp với địa phương, tương tự các ngành như: công thương, nông nghiệp, giao thông vận tải xây dựng cũng có giải pháp cụ thể để áp dụng mô hình này trong giảm phát thải, tiết kiệm tài nguyên".
Bên cạnh đó, cần khuyến khích tiêu dùng xanh và có chính sách hỗ trợ giải pháp giảm thiểu rác thải trong thương mại điện tử. Phía Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ông Trần Văn Trọng – Tổng thư ký Hiệp hội nêu giải pháp: "Chúng tôi cũng hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp về logistics, chuyển phát để đưa ra giải pháp khâu đóng gói hàng hóa tối ưu nhất, hạn chế tối đa lượng rác thải nhựa phát sinh ra môi trường".
Các doanh nghiệp thừa nhận khi sử dụng vật liệu đóng gói thân thiện môi trường, chi phí sẽ không rẻ, trong đó túi ni lông hiện nay vẫn là lựa chọn kinh tế nhất.
Vì vậy, cần nhiều giải pháp đồng bộ như: Hỗ trợ doanh nghiệp có chứng nhận thương mại điện tử xanh, sử dụng phương tiện giao hàng thân thiện với môi trường; xây dựng logistics thông minh, tối ưu hóa vận chuyển và giao hàng. Đặc biệt, khâu đóng gói cần khuyến khích sử dụng bao bì tái chế, đồng thời giảm số lượng bao bì đóng gói tại các khâu. Các nhà bán lẻ cần có những giải pháp thay đổi thói quen tiêu dùng hướng tới giao hàng xanh./.