Việc bổ nhiệm trái quy định tại tỉnh Vĩnh Phúc khiến dư luận ồn ào những ngày qua. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã vào cuộc, thanh tra và yêu cầu Tỉnh ủy Vĩnh Phúc hủy bỏ quyết định bổ nhiệm. Từ vụ việc này, bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cán bộ nếu để xảy ra sai phạm. Theo ông Lê Công Nhường, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, công tác cán bộ rất quan trọng. Chúng ta có cán bộ tốt thì công việc mới tốt được. Đảng ta rất coi trọng công tác cán bộ. Qua kiểm tra quy trình có sai sót thì Ủy ban kiểm tra đã cho chấn chỉnh lại. Ông Nhường cũng cho rằng, để ngăn chặn tình trạng bổ nhiệm sai, công tác quy hoạch cán bộ phải được làm thường xuyên, qua đó loại ra khỏi bộ máy những người không đủ khả năng.

Đề cập vụ việc “bổ nhiệm sai” vừa xảy ra ở tỉnh Vĩnh Phúc, ông Lê Quang Huy, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An nêu quan điểm: Không chỉ “sửa sai”, trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị liên quan ở những nơi vi phạm, nhất là người đứng đầu phải được làm rõ. “Khi nảy sinh ra những trường hợp sai phạm thì căn cứ vào những quy định của Đảng, Nhà nước để xem xét trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của các cơ quan thẩm tra hồ sơ nhân sự đó, trách nhiệm của cả người giới thiệu, tiến cử những nhân sự đó”, ông Huy đề xuất.

Ông Quách Thế Tản, đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cũng đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc bổ nhiệm cán bộ. Ông cho rằng, tình trạng bổ nhiệm cán bộ sai quy định như vừa xảy ra ở tỉnh Vĩnh Phúc không phải là chuyện cá biệt. Để không có thêm những trường hợp tương tự, người đứng đầu các cơ quan liên quan trong việc bổ nhiệm nhân sự phải có trách nhiệm nêu gương. “Người đứng đầu phải nêu gương để lựa chọn cán bộ xứng đáng, tránh tình trạng thiên lệch với người thân. Tập thể cũng phải có trách nhiệm giám sát để người đứng đầu làm tốt việc nêu gương”, ông Tản chia sẻ.

Thực tế cho thấy cán bộ là gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Chính vì thế để lựa chọn được những cán bộ đủ năng lực, phẩm chất đòi hỏi phải thực hiện thật nghiêm các quy định về bổ nhiệm. Bên cạnh đó, để chấn dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, pháp luật cần cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, nhất là người đứng đầu trong mỗi vụ việc.