Doanh nghiệp khát lao động để phục hồi sản xuất

Theo thống kê từ ngành lao động, có tới 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Để ứng phó với tác động của đại dịch, nhiều doanh nghiệp phải thay đổi cơ cấu tổ chức, quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất kinh doanh, thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm.

Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương bị tác động lớn nhất trong đợt dịch lần thứ 4, khiến 2 triệu lao động rơi vào tình trạng mất việc, giảm giờ làm, nghỉ làm luân phiên. Khi tái khởi động sản xuất, thiếu lao động dẫn đến sản xuất kinh doanh bị đình trệ.

"Đầu tháng 10, nhu cầu tuyển dụng khoảng 9000 người ở các ngành nghề qua khảo sát nhanh trên 100 doanh nghiệp. Đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo. Trong khi tuyển dụng không đáp ứng nhu cầu sản xuất”, ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB và XH Tp Hồ Chí Minh cho biết.

Ngành nghề cần tuyển dụng nhiều theo ông Sự tập trung vào may mặc, da giày, chế biến thực phẩm, bao bì và giao thông vận tải. Để thu hút người lao động trở lại, theo ông Sự, thành phố đang triển khai những chính sách an sinh căn cơ và cụ thể như xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân, đưa đón người lao động an toàn khi thành phố đưa họ trở lại làm việc. Việc tiêm phòng và thực hiện nghiêm phòng chống dịch cũng cần được đặt ra và quản lý chặt chẽ.

Hiểu đúng để sử dụng hiệu quả nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Cùng việc hoàn thiện và triển khai bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch thì chính sách hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động đang góp phần quan trọng để khôi phục sản xuất. Theo ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp rất cần những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các nội dung phát sinh từ thực tế.

Ông Độ lấy ví dụ điều kiện để doanh nghiệp được Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ đào tạo người lao động là phải "đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ". Do tình hình dịch bệnh thời gian qua diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh, tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” nên chưa làm hồ sơ thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo. Tuy nhiên, ông Độ nhấn mạnh việc “Một số địa phương khi xem xét hồ sơ còn cứng nhắc, yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp thêm các hồ sơ, thủ tục ngoài quy định”.

Thời điểm này, theo tổng hợp của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đã có 20 đơn vị được cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố đã xác nhận đóng đủ Bảo hiểm thất nghiệp, đủ điều kiện để xây dựng phương án đào tạo. Có thể ví dụ như tỉnh Thái Bình hoàn thành xác nhận cho Công ty cổ phần trung tâm thương mại và sản xuất công nghệ cao Hưng Hà 636 lao động. Quảng Bình xác nhận cho 828 lao động thuộc xí nghiệp may Hà Quảng. 70 lao động của Nhà máy may Vinatex ở Kiên Giang và 162 lao động công ty TNHH điện tử FOSSTER tỉnh Quảng Ngãi đã hoàn thành thủ tục.

Tuy nhiên, hiện nay mới có tỉnh Quảng Bình quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho người sử dụng lao động để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, duy trì việc làm cho người lao động. Một số địa phương như Thái Bình, TP. Hồ Chí Minh đang xem xét hồ sơ để phê duyệt.

4500 tỉ, một nguồn kinh phí lớn, trích từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp dự kiến hỗ trợ cho người sử dụng lao động trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Trong đó, tối đa mỗi người lao động sẽ nhận 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học và không quá 06 tháng.

Thời gian nộp hồ sơ từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022 nhưng từ nay đến cuối năm, thời gian không còn dài, các đơn vị sản xuất, kinh doanh bắt đầu hoạt động trở lại và đang cố gắng trả các đơn hàng còn nợ.

“Một số sở LĐ-TB và XH địa phương tiếp nhận hồ sơ băn khoăn trong việc xác định tính xác thực của phương án đào tạo cũng như giảm doanh thu hay thay đổi cơ cấu công nghệ. Tuy nhiên, trong nghị định 68 và quyết định 23 chỉ công bố các thủ tục và Bộ LĐ-TB và XH đã có quyết định 777 về thủ tục hành chính và trách nhiệm của ngành thương binh và xã hội: Người sử dụng lao động chỉ phải nộp cho Sở LĐ-TB và XH xác nhận bảo hiểm xã hội. Còn báo cáo về giảm doanh thu, về thay đổi công nghệ và phương án đào tạo cho người lao động thì do người sử dụng lao động xây dựng và chịu trách nhiệm”, ông Độ lưu ý với các địa phương nhằm giảm các thủ tục phiền hà để nguồn quỹ này được sử dụng hiệu quả.

Như vậy, so với quy định của Luật Việc làm và Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, mức hỗ trợ lần này tăng từ 1 triệu lên 1,5 triệu đồng. Các điều kiện hỗ trợ người sử dụng lao động trong việc đào tạo duy trì việc làm cho người lao động đã được đơn giản hóa, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để xây dựng phương án tổ chức đào tạo. Vấn đề chỉ còn ở việc gỡ bỏ những vướng mắc trong thủ tục, hỗ trợ người sử dụng lao động nắm vững chính sách để tiếp cận và sử dụng nguồn quỹ hiệu quả trên thực tế.