Rác thải nhựa đã và đang là vấn đề đang báo động trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Theo ước tính, có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền ở nước ta mỗi năm và ít nhất 10% trong số này đổ ra đại dương. Thông tin từ Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa tại Việt Nam cho thấy, lượng nhựa rò rỉ ra sông và biển có thể sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 nếu quy trình thu gom, tái chế và xử lý chất thải như hiện nay không được cải thiện. Theo phân tích của PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, so với các nước đang phát triển thì người dân nước ta sử dụng chất nhựa để đóng gói thực phẩm hay đồ uống ít hơn nhưng chúng ta chưa phân loại được tốt nên việc người dân sử dụng chất nhựa là tác động lớn nhất.

Nhu cầu của con người ngày càng tăng cao, đồng nghĩa với việc số lượng rác thải nhựa thải ra ngoài môi trường ngày càng lớn.

Theo bà Hoàng Thị Diệu Linh, cán bộ về Chất thải và Kinh tế tuần hoàn, Ban Môi trường và Chất thải, UNDP Việt Nam, tái chế rác thải nhựa đồng nghĩa với việc thu hồi các sản phẩm nhựa đã qua sử dụng để tạo thành những vật dụng hữu ích, giúp môi trường sống của chúng ta trở nên sạch – đẹp hơn. Nhựa hay chất dẻo tổng hợp là sản phẩm không có sẵn trong tự nhiên mà là sản phẩm nhân tạo. Chất dẻo cần thiết để sản xuất đồ dùng nhựa được làm từ khí thiên nhiên hoặc các dẫn xuất từ dầu thô. Nếu chúng ta sản xuất càng nhiều sản phẩm nhựa dùng một lần đồng nghĩa với việc nguyên liệu hóa thạch không thể tái sinh sẽ được tiêu thụ nhiều hơn. Theo một nghiên cứu gần đây, tái chế một tấn túi nilon có thể giúp tiết kiệm 16,3 thùng dầu thô, giảm lượng dầu được tiêu thụ mỗi năm.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc công ty tái chế cao su LongLong cho biết, rác thải nhựa chính là một nguồn tài nguyên nếu tái chế lại các sản phẩm từ nhựa sẽ giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên nên 7 năm nay, những sản phẩm tái chế của công ty đã được thị trường đón nhận. Theo ông Thanh, bản thân rác thải nhựa chính là nguồn nguyên liệu rất rẻ mà chúng ta chỉ mất tiền thu gom, vận chuyển về để có thể tái sử dụng nó, để nó ra một sản phẩm mới, một vòng đời mới, một sản phẩm hữu ích quay trở lại phục vụ cho con người.

Tại nước ta, lượng nhựa và túi nilon thải ra môi trường khoảng 2,5 triệu tấn, trong khi tỷ lệ tái chế chất thải nhựa và túi nilon khó phân hủy ở nước ta rất thấp, phần lớn là chôn lấp hoặc không xử lý. Tái chế rác thải nhựa được hiểu là quá trình thu gom rác thải hoặc những phế phẩm từ nhựa, sau đó trải qua quá trình xử lý để tạo thành vật liệu mới với khả năng ứng dụng đem lại lợi ích cho con người. Đây là một giải pháp có thể giúp tiết kiệm vật liệu cũng như giảm thiểu việc phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc công ty Nhựa Tân Phú cho biết, việc tái chế rác thải nhựa sẽ giúp ích cho cuộc sống rất nhiều, thay đổi nhận thức trong cách sử dụng đồ nhựa.

Ngành công nghiệp tái chế ra đời được xem là giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu tình trạng rác thải ra ngoài môi trường, mở ra triển vọng mới cho ngành công nghiệp sạch. Chính vì thế, nước ta đã có nhiều chính sách và cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia việc tái chế rác thải nhựa như chia sẻ của ông Vũ Minh Lý, Phó giám đốc trung tâm truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các doanh nghiệp khi tham gia các lĩnh vực này sẽ được nhận những hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước. Nếu các doanh nghiệp có những dự án chất lượng, hiệu quả cao sẽ nhận được sự hỗ trợ về tài chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Rác thải nhựa đang trở thành mối đe dọa đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Nếu như không có hành động cụ thể, chúng ta sẽ phải chịu những ảnh hưởng nặng nề do rác thải nhựa gây ra. Tái chế, giảm rác thải nhựa ra môi trường không chỉ mang lại lợi ích lớn về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa lâu dài trong việc bảo vệ môi trường, hướng tới một cuộc sống xanh, sạch hơn./.