Báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 cho biết:: nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước đều đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Đặc biệt, tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn Nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỉ đồng, trong đó tiết kiệm chi thường xuyên được 716,9 tỉ đồng. Kết quả tiết kiệm do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ tài chính của các bộ, ngành, địa phương năm 2022 là 3.494 tỉ đồng. Một số đơn vị có kết quả cao như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… Nhắc lại số liệu này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng đây là kết quả đáng ghi nhận.

“Trong một năm mà số tiền tiết kiệm được gần 54 nghìn tỉ đồng. Đây là con số không hề nhỏ! Nhiều bộ, ngành đã thực hiện nghiêm túc việc thực hành tiết kiệm chi từ ngân sách, đã kiên quyết cắt giảm những khoản chi không cấp bách, không cần thiết. Việc này sẽ trở thành nề nếp để hàng năm chúng ta sẽ cắt giảm những khoản chi không cần thiết”, bà Nga chia sẻ.

Tuy nhiên, theo bà Nga, Chính phủ, Quốc hội cần tiến hành đánh giá một cách toàn diện, chuyên sâu về vấn đề này. Bởi thực tế có những khoản tiết kiệm không thực chất sẽ rất nguy hiểm, kìm hãm sự phát triển của đất nước. “Tôi lấy ví dụ, có những dự án, đề án và chương trình, chúng ta triển khai quá chậm chễ. Thậm chí, có những chương trình mục tiêu, chúng ta đã bố trí kinh phí rồi nhưng không triển khai, không giải ngân. Nếu nhìn thoáng qua, nó chỉ là sự chậm trễ, nhưng nhìn sâu vào thì rõ ràng chúng ta đã lãng phí thời gian. Điều này đồng nghĩa với việc lãng phí tiền bạc. Bởi lẽ, có những cơ hội đầu tư và phát triển sẽ qua đi mà không bao giờ có thể lấy lại được. Vì thế, đây là sự lãng phí rất lớn mà không nhiều người nhận thấy đấy là sự lãng phí. Nhiều khi lãng phí cơ hội, hậu quả của nó còn lớn hơn lãng phí tiền bạc. Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần nghiêm túc đánh giá về việc chậm trễ trong khiển khai nhiều dự án, nhiều công trình”, bà Nga nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng thất thoát, lãng phí. Theo ông, hậu quả do hành vi này gây ra không thua kém vấn nạn tham nhũng. “Tôi thấy tình trạng lãng phí thời gian qua còn lớn lắm. Lãng phí không thua kém tham nhũng, nhưng chúng ta chưa đánh giá được con số lãng phí. Con số tham nhũng gây ra chúng ta có thể biết được khi phanh phui các cụ án, còn lãng phí thì chưa rõ. Trong khi đó, lãng phí là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước”, ông Hòa bày tỏ.

Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng tiền bạc, tài sản bị tham nhũng còn có thể thu hồi lại được, còn lãng phí thì không thể. Trong khi đó, lãng phí đến từ nhiều góc độ, nhiều hình thức khác nhau, từ hữu hình đến vô hình. Chính vì thế, hậu quả do lãng phí gây ra là vô cùng lớn. Trước vấn đề rất đáng lo ngại này, ông An đề nghị phải làm quyết liệt hơn nữa vấn đề chống lãng phí. “Thời gian qua, chúng ta đã làm rất tốt công tác phòng chống tham nhũng, tạo được hình ảnh tốt và lòng tin của người dân. Vấn đề phòng chống thất thoát, lãng phí cũng phải được làm quyết liệt như vậy”, ông An mong muốn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đề nghị các cơ quan chức năng phải dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác phòng chống lãng phí. Đây là việc làm cấp bách để từng bước đẩy lùi tình trạng thất thoát, lãng phí - yếu tố kìm hãm sự phát triển của đất nước. “Lãng phí xảy ra ở nhiều nơi, nhiều chỗ, ảnh hưởng đến sự phát triển về kinh tế, xã hội của đất nước. Vấn đề phải được xử lý thật quyết liệt mới thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu kiến nghị.