“Chỗ nào cần cứu đói là chúng tôi có mặt” là chia sẻ của vợ chồng thầy giáo Phùng Ân Hưng ở tổ dân phố 46, phường 8, Quang Trung, quận Gò Vấp, TP. HCM. Hiện thầy Thi công tác tại trường THPT An Đông, quận 5, TP. HCM. Vợ thầy là cô giáo Nguyễn Thị Mộng Thùy hiện tại đang tạm nghỉ để hỗ trợ chồng thực hiện “Siêu thị 0 đồng” – giao lương thực 0 đồng cho bà con khuyết tật, khiếm thị, cơ nhỡ khó khăn... toàn vùng dịch TP. Hồ Chí Minh.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhất là khi toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội, vợ chồng thầy Hưng luôn trăn trở về những mảnh đời mưu sinh, họ sẽ đi đâu về đâu, ăn gì để sống. Đó là những người khuyết tật, người khiếm thị, người vô gia cư, lang thang cơ nhỡ, người bán hàng rong, bán vé số…“Thế là tôi cùng chồng bắt đầu đặt hàng trên xe ba gác, rong ruổi khắp đường phố tìm hiểu về những mảnh đời, cuộc sống của họ trong mùa dịch”, chị Mộng Thùy chia sẻ.

Khi rong ruổi khắp các cung đường của thành phố, vợ chồng thầy Hưng nhận thấy cuộc sống của những người yếu thế vô cùng gian nan, vất vả trong mùa dịch. Thầy Phùng Văn Hưng đã từng liên hệ với các tổ chức như Hội người mù các khu vực của TP.HCM. " Đại diện các Hội đều trả lời họ không nắm được danh sách hội viên mới, những người có giấy tờ thì còn nắm được thông tin. Đến giờ họ cũng lực bất tòng tâm mà khu vực họ đang sinh sống cũng bị cách ly”-Thầy Hưng chia sẻ.

Thấu hiểu những khó khăn ấy, ngay lập tức vợ chồng thầy Hưng quyết định trực tiếp đi tìm kiếm những người khuyết tật, người khiếm thị, những người khó khăn.. để kịp thời hỗ trợ họ. Không ít người lang thang cơ nhỡ đã biết đến “Siêu thị 0 đồng” và liên hệ với vợ chồng thầy Hưng để được giúp đỡ. “Chị ơi em đang ở địa chỉ này, chị mang lương thực cứu đói chúng em với. Ba tháng nay, chúng em chỉ ở trong nhà trọ, lương thực cạn kiệt, chị qua cứu tụi em với”- chị Thùy nhớ lại một trường hợp cầu cứu vợ chồng chị.

Đội hậu cần của “Siêu thị 0 đồng” chính là bà con hàng xóm của vợ chồng thầy Hưng. Họ tự động cách ly biệt lập với gia đình nhiều ngày nay, ở yên tại chỗ không ra vào, không đi chỗ khác, cùng nhau làm thành Hợp tác xã nhỏ. “Chúng tôi trình bày nguyện vọng và địa phương tạo điều kiện chúng tôi giúp đỡ những người khó khăn như vậy” – chị Thùy cho biết.

Ngoài đội hậu cần còn có đội chăm sóc, đội đường dây nóng xác minh, lập danh sách, đội giao hàng. Để giúp đỡ đúng người đúng hoàn cảnh, vợ chồng thầy Hưng lập ra đường dây nóng là 0908.007.235 để những người mong muốn giúp đỡ đăng ký. Theo thông tin nhận được, đội xác minh sẽ gọi điện thoại kiểm tra và xác nhận thông tin có đúng là họ đang mắc kẹt hay không.

Còn đội giao hàng sẽ làm nhiệm vụ đi tới tận nơi giao đúng người. Trong quá trình giao hàng, nếu xảy ra khó khăn nào ví dụ như không giao được hàng, không qua được chốt... thì báo lại để mọi người cùng nhau xử lý tình huống. Thầy Hưng cho biết: “Hiện tại đội xe chúng tôi có hơn 20 xe, xe 4 chỗ, 7 chỗ, xe bán tải cũng có, luân phiên nhau chạy. Cần mua gì, nếu tôi không đủ, bà con sẽ góp vô, càng mừng vì sự chung tay đó của mọi người".

Thầy Hưng chia sẻ, việc lập “Siêu thị 0 đồng” và giao hàng cứu đói cũng không hể đơn giản. Bởi người khiếm thị bị hạn chế rất nhiều khi không nhìn thấy hoặc nhìn kém. Họ không thể đi ra ngoài nhận đồ cứu trợ được mà phải mang vào tận nơi họ ở. “Có những người còn không biết tả nhà của mình như thế nào, thậm chí còn hỏi ngược lại: “Chị ơi nhà của em đang ở màu gì”. Là người hỏng mắt nên không ít người còn gõ sai địa chỉ, ví như gõ chữ Bình Tân lại thành Bình Chánh, mình qua Bình Chánh không thấy rồi gọi điện liên tục, mãi rồi mới tìm ra họ ở Bình Tân, kẹt ở đó mấy ngày trời không có lương thực rồi”- chị Thủy kể.

Một khó khăn nữa là quá trình đi lại, bởi theo Chỉ thị 16 giãn cách xã hội toàn thành phố nên nhiều lối đi giăng dây, nhiều chốt chặn khiến việc giao hàng gặp không ít trở ngại. Đội giao hàng phải linh động, liên hệ chính quyền và trình bày lý do để thuyết phục các lực lượng chức năng cho phép qua chốt.

Đến giờ, “Siêu thị 0 đồng” đã lập danh sách 600 địa điểm đi phát cứu trợ. Một tuần, 2-3 lần, vợ chồng thầy Hưng bố trí các xe giao hàng gồm đầy đủ lương thực, thực phẩm, đồ thiết yếu, rau củ quả...tới cho người dân đang mắc kẹt khắp các ngõ ngách của TP. HCM.

Thầy Hưng cho biết, nhiều gia đình cả cặp vợ chồng đều khuyết tật, khiếm thị, lại có những địa điểm là nơi tá túc của nhiều người dù không quen biết nhau". Lúc đầu danh sách chỉ có vài trăm người, nhưng hiện giờ “Siêu thị 0 đồng” đang hỗ trợ, chăm sóc hơn 2.500 người và tăng lên từng ngày.

Dẫu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, việc cứu trợ còn nhiều khó khăn, thế nhưng vợ chồng thầy Hưng mong rằng những người yếu thế hãy cô gắng: “Dù hoàn cảnh hiện tại rất khó khăn, chúng ta sẽ chiến thắng, cùng nhau dìu nhau qua cơn hoạn nạn nay. Cần có trái tim yêu thương để cùng chia sẻ. Những mạnh thường quân, những anh chị em nếu được hãy cùng đi với chúng tôi để trao những yêu thương tới những mảnh đời yếu thế, bất hạnh hơn mình”.

Qua đây, thầy Phùng Văn Hưng muốn nhắn nhủ tới những người khuyết tật, người khiếm thị, người vô gia cư, lang thang cơ nhỡ, những người đang mắc kẹt trong thành phố mà đã hết lương thực, thực phẩm... đừng ngần ngại, hãy liên lạc tới đường dây nóng 0908.007.235 để nhận được sự hỗ trợ sớm nhất.