Giảm nghèo ở đồng bằng đã khó, giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi càng khó khăn hơn khi giao thông đi lại khó khăn, đất đai canh tác ít, điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Thế nhưng nhờ đòn bẩy tín dụng chính sách mà 20 năm qua, nhiều hộ gia đình thoát nghèo nơi rẻo cao huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.

Lập gia đình, hai vợ chồng Mùa A Hạng và Sùng Thị Máy ở chung với bố mẹ, nhà nghèo, anh chị quyết định gửi con ở nhà cho ông bà rồi xuống Hà Nội làm thuê. Được nửa năm, con nhỏ, xa nhà, tiền làm ra không dành dụm được bao nhiêu, anh Hạng chị Máy quyết định trở về quê ở bản Tà Xùa A, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Năm 2020, anh chị được anh Mùa A Sủa, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn của Đoàn Thanh niên xã giới thiệu, hướng dẫn vay vốn dành cho hộ mới thoát nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Với 50 triệu vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Máy quyết định bỏ thêm chỗ vốn bố mẹ cho khi ở riêng để mua 3 con bò và một con trâu cái sinh sản. Sau hai năm, bò đã đẻ thêm hai con. Hai anh chị thay nhau chăm trâu bò và nhận đi làm thuê xây dựng, tích cóp để xây nhà. Không chỉ được vay vốn sản xuất, anh Hạng chị Máy còn được vay 20 triệu để làm nhà vệ sinh và công trình nước sạch. Vốn vay 5 năm mới phải trả nên tiền bán bò, chị Máy bỏ ra mua được 2000m2 nương chè, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 20 triệu. Cuộc sống dần khấm khá, dựng được nhà, con cái đi học đầy đủ.

Anh Mùa A Sủa, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn cho biết, bản Tà Xùa A có hơn 100 hộ dân, trước đây, đến nửa bản là hộ nghèo. Nhờ được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách, được khuyến nông, khuyến lâm hướng dẫn cộng thêm đường sá đi lại thuận tiện, bà con tiếp cận được nhiều nguồn kiến thức để làm ăn nên giờ ở bản chỉ còn hơn 20 hộ là hộ nghèo.

Với 99% dân số là đồng bào Mông, Tà Xùa là một xã vùng cao của huyện miền núi Bắc Yên, năm 2022 này vẫn còn hơn 1/3 trong tổng số 560 hộ dân là hộ nghèo. Dù mấy năm nay, Tà Xùa nổi lên như một điểm đến du lịch hấp dẫn thế nhưng như ông Mùa A Sang, chủ tịch UBND xã cho biết, các cơ sở du lịch hầu hết là do người nơi khác tới đầu tư, bà con ở Tà Xùa thiếu cả kiến thức làm ăn cộng với tâm lý ngại vay vốn vì sợ không trả được nợ. Nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách, lãi suất thấp, thời gian vay kéo dài tới 60 tháng từ 20 năm nay cũng đã phần nào giúp bà con thoát nghèo, thế nhưng để vươn lên khấm khá, làm giàu, người dân Tà Xùa rất cần được đầu tư hơn nữa.

Không chỉ ở Tà Xùa bà con mới cần vốn đề đầu tư làm du lịch, sản xuất kinh doanh, giảm nghèo mà người dân ở các xã của huyện Bắc Yên đều rất cần nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Lãi suất thấp, thời gian vay kéo dài, lại không cần tài sản bảo đảm, vay vốn, bà con được sinh hoạt trong các tổ tiết kiệm và vay vốn, mở mang kiến thức, dần tiếp cận được các dịch vụ tài chính vi mô. Từ chỗ chỉ vay vốn, bà con dân tộc ở Bắc Yên đã biết tích cóp gửi tiền tiết kiệm. Nguồn vốn huy động thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn ở Bắc Yên tính đến 30/06/2022 là hơn 13 tỷ đồng. Con số tuy nhỏ nhưng thể hiện được sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của người dân ở huyện miền núi còn nhiều khó khăn này. Ông Lê Văn Thắng, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bắc Yên cho biết, năm 2003 lúc mới thành lập, NHCSXH huyện Bắc Yên mới chỉ quản lý 3 chương trình tín dụng thì tới nay, sau 20 năm hình thành và phát triển, NHCSXH Bắc Yên đang triển khai 17 chương trình tín dụng ưu đãi, dư nợ đạt 380,839 tỷ đồng; tăng hơn 369 tỷ đồng so với năm 2003, tỷ lệ tăng bình quân hàng năm là trên 10%.

Phát biểu của ông Lê Văn Thắng, GĐ PGD NHCSXH huyện Bắc Yên về triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn:

Dư nợ của NHCSXH huyện Bắc Yên đến năm 2022 là gần 381 tỷ đồng, chiếm gần 50% trong cơ cấu nguồn vốn tín dụng trên địa bàn huyện. Nguồn vốn cho vay hộ nghèo của NHCSXH đã góp phần cho hộ nghèo có vốn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho các hộ vươn lên thoát nghèo, nhất là các hộ đang sinh sống tại các xã đặc biệt khó khăn, hộ dân tộc thiểu số. Bình quân hàng năm có 450 hộ vay vốn tín dụng ưu đãi thoát nghèo, trong đó có nhiều hộ thoát nghèo bền vững.

Với doanh số cho vay gần 1.006 tỷ đồng trong 20 năm và đầu tư đến 100% các xã, các bản trong toàn huyện, các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội đang giúp bộ mặt nông thôn miền núi của huyện Bắc Yên dần thay đổi, không chỉ giúp bà con dân tộc thay đổi nhận thức, tự vươn lên thoát nghèo mà còn góp phần quan trọng đưa Bắc Yên ra khỏi danh sách những huyện nghèo nhất nước năm 2022./.