Nghe bài viết tại đây:
Nguyễn Thanh Hà – 20 tuổi ở Hà Nội bắt đầu ngày mới với câu hỏi “Sáng nay mặc gì nhỉ?”. Càng nhiều trang phục càng khiến các cô gái loay hoay chọn lựa. "Mất thời gian suy nghĩ, mặc rồi có khi lại chả ưng"- Hà nói.
Cũng như bao cô gái ở tuổi đôi mươi, Hà đam mê với thời trang và xem đây là thứ “an ủi” mỗi khi buồn. "Quần áo bây giờ cũng rẻ, có khi mua chỉ vài chục ngàn, nếu biết săn sale trên shoppe còn rẻ hơn nữa" - Thích thì mua trở thành thói quen của nhiều người - "mua về đôi khi mặc đôi lần hoặc chả bao giờ mặc" - Hà chia sẻ.
Tủ quần áo 4 cánh, chiều dài 1,57m của Hà không còn nhiều chỗ trống. Nhưng nếu có một khoản dư dả chút, việc đầu tiên Hà nghĩ đó là: đi mua đồ. "Em đã tìm cách để bớt nghiện mua sắm rồi nhưng cứ xem live hoặc thấy các mẫu đẹp lại nhấn mua" -nỗ lực của Hà thường bị khuất phục chỉ sau vài ngày cố gắng hạ quyết tâm.
Fast fashion – cụm từ thời trang nhanh được các nhà hoạt động môi trường sử dụng khoảng từ năm 2005. Đây là thuật ngữ được sử dụng để mô tả những món đồ thời trang bắt kịp xu hướng, "nhái theo" ý tưởng từ nhà thiết kế và được sản xuất nhanh chóng để đáp ứng thị hiếu người mua. Sự phát triển của thương mại điện tử là mảnh đất màu mỡ cho thời trang nhanh phủ sóng toàn cầu. Dù bạn ở đâu, chỉ cần có mạng Internet và chiếc máy tính hoặc điện thoại đã có thể đặt hàng. Sự đa dạng về mẫu mã, giá thành phải chăng là yếu tố quan trọng thu hút người mua ở tầng lớp nghèo đến trên mức bình dân.
"Ngày xưa, ông bà mình một năm chỉ được may 1-2 lần sau đó sửa lại rất nhiều. Trong khi chúng ta ngày nay mỗi người, nhất là phụ nữ một năm, bao nhiêu váy, cần bao nhiêu túi xách" - Chị Nguyễn Thị Nga – Cán bộ quản lý chương trình phát triển bền vững của WWF chia sẻ - "Ở cấp độ cao hơn, các hãng thời trang một năm họ tổ chức bao nhiêu show diễn thời trang để giới thiệu sản phẩm mới thì cứ nhân lên một trong 8 tỷ người trên trái đất mà cứ mua sắm như vậy thì không có trái đất nào chịu nổi".
Ngành công nghiệp thời trang toàn cầu ước tính có giá trị 3 nghìn tỷ đô la, góp 2% GDP thế giới, với quy mô lớn và tốc độ phát triển nhanh chóng. Để có giá thành rẻ, các nhà sản xuất thường sử dụng chất liệu rẻ, khó phân hủy và vì vậy vòng đời sản phẩm ngắn. Điểm đỗ cuối cùng của quần áo cũ là bãi rác. Đây cũng là nguyên nhân khiến thời trang góp phần hủy hoại môi trường.
Chị Nguyễn Thị Nga cho biết, 60-70% hiện nay vải chúng ta mặc là từ Polyester tức là từ chất hóa dầu. "Nó cũng như túi ni-lông vậy, chẳng qua là họ đưa vào những chế phẩm làm mềm vải làm chúng ta nghĩ rằng chúng ta không mặc đồ ni-lông lên người" - Thực tế khi xả thải áo quần ra môi trường cũng khó phân hủy như túi ni-lông. Chị Nga cho rằng trường hợp xấu nhất là phân hủy ra vi nhựa.
Hạt vi nhựa (microplastic) là những mảnh nhựa có kích thước nhỏ trong môi trường hoặc các sản phẩm sử dụng hằng ngày. Những hạt vi nhựa này thường được tìm thấy ở khắp nơi trên thế giới như: Đại dương, sông, đất và nhiều môi trường khác. Hạt vi nhựa tồn tại ở khắp nơi trên thế giới. Sau đó chúng sẽ được tiêu thụ bởi các loài động vật, thậm chí là len lỏi vào trong cơ thể người.
(Tham khảo nhiều nguồn)
Thách thức của bài toán này nằm ở cả nhà sản xuất và người tiêu dùng. Theo chị Nguyễn Thị Nga cần phải nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm có trách nhiệm. Tuy nhiên ai cũng nhìn ra mặt khó bởi tài chính là sức ép.
Chị Phan Thị Trang ở Hải Dương cho biết chị rất thích những sản phẩm thân thiện với môi trường nhưng giá cả thường cao hoặc mẫu mã không đẹp, mặc bị nhăn, kém sang. "Giá cả phù hợp túi tiền là tiêu chí quan trọng. Tuy nhiên tôi sẽ mua đồ có tính ứng dụng cao chứ không phải mặc một vài lần là chán" - chị Trang chia sẻ.
Một bài viết đăng trên tạp chí môi trường, số 11/2022 đã đưa ra thông tin: Tại thủ đô Accra, Ghana - một nước tại Châu Phi (một phần của sa mạc Atacama) có bãi rác khổng lồ, trong đó 60% trong bãi rác này là quần áo và được mệnh danh là “bãi rác quần áo của thế giới”. Mỗi tuần nơi đây nhận được 15 triệu chiếc quần áo cũ, trong đó có cả đồ từ thiện từ khắp nơi trên thế giới gửi về và 40% trong số đó có chất liệu kém bị đem vứt ra các bãi rác. Mỗi năm có đến khoảng 39 nghìn tấn quần áo bị thải bỏ được tập kết ở sa mạc này. Chile từ lâu đã là một trung tâm tập trung quần áo cũ và không bán được.
Mách bạn: Các chuyên gia tài chính khuyên mọi người chỉ nên dành tối đa 5% thu nhập để mua sắm. Giả sử, bạn kiếm được 15 triệu/tháng. Về lý thuyết, khoảng 750 nghìn đồng nên được chi cho quần áo trong tháng đó.
Nếu vẫn tiếp tục mua quần áo vô tội vạ vì giá rẻ, dùng một vài lần và thải bỏ, nghĩa là chúng ta đang bắt trái đất gánh phần trách nhiệm mà nhẽ ra chúng ta phải thực hiện trước khi mua./.