Tiếp tục Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 14/6, dự án luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được thảo luận tại hội trường. Phát biểu điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Việc ban hành luật này nhằm thể chế hóa chủ trương thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân, thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện và đặc biệt là dân chủ ở cơ sở - đã được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Tán thành sự cần thiết phải sớm ban hành luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, các đại biểu thống nhất cho rằng có 5 yếu tố để bảo đảm cho việc thực hiện dân chủ ở cơ sở được tiến hành một cách thực chất và hiệu quả là: Thể chế, tổ chức bộ máy, năng lực của chủ thể, phương thức tổ chức, thực hiện dân chủ và môi trường điều kiện thuận lợi để thực hiện dân chủ.

Một trong những vấn đề được tập trung thảo luận là nội dung về công khai thông tin ở cơ sở, doanh nghiệp. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội): “Tất cả quyết định liên quan đến nguồn lực công, đến người dân đều phải thực hiện công khai, trừ phi đó là bí mật nhà nước”. Ông nêu dẫn chứng: “Nhìn lại tất cả những cái vụ án tham nhũng như vụ việc đặt máy xét nghiệm trong bệnh viện, mua bán, đấu thầu thiết bị y tế, việc mua bán tài sản công hoặc vụ mua bán Mobifone… Tất cả đều có điểm chung là các quy trình có rất đầy đủ, tuy nhiên lại không được minh bạch, công khai, không được thông tin để cho người dân biết”

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, nếu chúng ta công khai dân chủ để mọi người đều biết thì tất cả những vụ này đều được ngăn chặn trước. “Nếu thực hiện tốt dân chủ cơ sở, công khai, minh bạch để người dân biết được thông tin, nắm được mọi hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong việc sử dụng các nguồn lực công trong các quyết định có liên quan đến người dân, đến cộng đồng thì chắc chắn sẽ nhận được nhiều ý kiến tham gia đóng góp của người dân để mang lại kết quả quyết định tốt hơn. Đồng thời cũng sẽ tránh được những sai phạm như thời gian vừa qua.”- đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Đồng tình với việc cần thiết phải công khai, minh bạch thông tin, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) nêu ý kiến, cần phải rà soát các quy định liên quan đến nội dung công khai. Ông cho rằng, đây là đạo luật rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, của cán bộ, công chức, người lao động; phát huy quyền làm chủ và vai trò chủ thể của người dân với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát.

Về hình thức công khai được quy định tại Khoản 1, Điều 10 Dự thảo luật, đại biểu cho rằng, để tránh chuyện công khai theo kiểu hình thức, đề nghị tiếp tục rà soát lại các hình thức công khai cho phù hợp với thực tiễn để người dân tiếp cận dễ dàng nhất. Đại biểu nêu ví dụ, quy định hình thức công khai thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, người phát ngôn của Ủy ban nhân dân xã trên thực tế là không phù hợp và khó có thể thực hiện.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) thì đề nghị cần nghiên cứu bổ sung thêm quy định về thực hiện hình thức công khai thông tin đối với vùng đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa. Bởi lẽ, theo đại biểu Bố Thị Xuân Linh, quy định của Dự thảo tại Điều 10 quy định 8 hình thức thông tin công khai, trong đó có công khai qua mạng xã hội như Zalo, Facebook, Viber. Đây là hình thức mới, hiện đại nhưng chỉ áp dụng đối với người sử dụng điện thoại thông minh. Do đó, đại biểu Bố Thị Xuân Linh cho rằng, nên chọn hình thức công khai bắt buộc như niêm yết công khai thông tin tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố và điểm sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra, tùy theo điều kiện địa phương có thể lựa chọn hình thức truyên truyền công khai đến người dân cho phù hợp, có thể thông qua loa truyền thanh, thông qua các cuộc họp… Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm quy định về thực hiện hình thức công khai thông tin đối với vùng đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa cần phải cụ thể hơn.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh cũng đề nghị bổ sung thêm các điều khoản quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng nhằm tạo cơ sở pháp lý và hoạt động của Ban Thanh tra, của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng để góp phần thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình phát triển kinh tế xã hội cũng như xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, cũng cần có những quy định để tránh sự lạm dụng quyền dân chủ ở cơ sở là ý kiến của đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận). “Thực tế đã xảy ra trường hợp “phép vua thua lệ làng” như cộng đồng dân cư tự bàn bạc, đưa ra các quyết định trái pháp luật, chẳng hạn như lập rào chắn cho các xe, không cho các xe vận chuyển trong các tuyến đường thôn, xóm hoặc là thu các loại phí ngoài quy định mà khi chính quyền cơ sở biết được thì có sự việc đã đi quá xa, gây hậu quả cho xã hội. Vì vậy, cần nghiên cứu cụ thể về công việc khác trong nội bộ cộng đồng dân cư để bảo đảm cho nhân dân thực hiện quyền dân chủ, đồng thời phải có chế tài cụ thể đối với các hành vi sai trái, trách nhiệm của người đề xuất các vấn đề nội bộ của cộng đồng dân cư, trách nhiệm của chính quyền địa phương, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở” - Đại biểu Chamaléa Thị Thủy nêu ý kiến.

Về hoạt động giám sát của nhân dân, đại biểu Sùng A Lềnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai) cho rằng, để đảm bảo và phát huy rộng rãi quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở cần bám sát và thể chế hóa đầy đủ phương châm đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng đã đề ra, đó là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tuy nhiên, Dự thảo luật chủ yếu mới cụ thể hóa được nội dung dân biết, dân bàn, dân quyết định; còn nội dung dân kiểm tra, giám sát, dân thụ hưởng thì chưa được thể hiện rõ nét.

Đại biểu cũng chỉ rõ, việc phân biệt giữa dân kiểm tra và giám sát còn chưa có căn cứ, khó xác định để tăng cường các hình thức dân chủ trực tiếp của người dân đã được nêu trong Hiến pháp. “Đề nghị trong Dự thảo luật cần làm rõ hơn các quy định về nội dung, hình thức kiểm tra, giám sát, hiệu lực và các kiến nghị thực hiện sau kiểm tra, giám sát của người dân. Đồng thời, đề nghị tiếp tục nghiên cứu bổ sung cụ thể hóa cơ chế dân thụ hưởng tại một loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở bởi đây là điểm mới quan trọng của Dự án luật này. Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc chậm trễ hoặc không tuân thủ pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng như lợi dụng thực hiện dân chủ để kích động, gây rối, gây mất đoàn kết nội bộ trong cơ quan, đơn vị và nhân dân” - đại biểu Sùng A Lềnh nhấn mạnh.

Dân chủ là giá trị xã hội lớn, là phương thức để nhân dân phát huy quyền làm chủ, thể hiện ý chí, nguyện vọng, lợi ích, chính kiến và quyền lực của mình tham gia vào các hoạt động của nhà nước và xã hội. Với sự đóng góp trách nhiệm của các đại biểu, hy vọng luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sau khi được ban hành sẽ phát huy được quyền của mỗi người dân, đặc biệt là quyền tham gia vào các các hoạt động giám sát, phản biện xã hội.