Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết tổng diện tích rừng cả nước hiện nay là 14,6 triệu héc-ta. Trong đó, rừng tự nhiên là 10,3 triệu héc-ta, rừng trồng là 4,3 triệu héc-ta. Về độ che phủ, so với cách đây 30 năm và so với bình quân của thế giới hiện nay, đây là con số rất đáng tự hào. “Năm 1990, Việt Nam chỉ có 9 triệu héc-ta rừng. Lúc đó, độ che phủ chỉ có 27%. Sau 30 năm, quyết tâm xây dựng một nền kinh tế bền vững, Việt Nam hiện có tỉ lệ che phủ rừng gần 42%, trong khi tỉ lệ che phủ rừng bình quân của thế giới chỉ có 29%”. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu dẫn chứng.
Độ che phủ rừng của nước ta hiện cao hơn bình quân của thế giới. Minh chứng là chỉ tiêu về tăng độ che phủ rừng hàng năm của các địa phương đều đạt và vượt kế hoạch. Tuy nhiên, đại diện cho cử tri của tỉnh Quảng Nam, ông Phan Thái Bình cho rằng số liệu đó không phản ánh đúng mục đích của việc phát triển rừng. “Thay vì chúng ta trồng những cây bản địa, cây gỗ lớn, cây tự nhiên thì chúng ta trồng keo và các cây khác không có tác dụng phòng hộ”, ông Bình viện dẫn. Ông Bình còn nêu thực tế tại một số địa phương có tình trạng phá rừng chỗ này nhưng lại trồng bù ở chỗ khác. Xét về diện tích trồng thì vẫn đảm bảo, nhưng ở góc độ phòng hộ thì không có tác dụng.
Ông Hoàng Đức Thắng, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho rằng, nguyên nhân sâu xa gây ra lũ quét và sạt lở đất là do phát triển ồ ạt thủy điện nhỏ: “Thủy điện có thể không làm gia tăng lũ nhưng các công trình này làm mất rừng và là tác nhân khiến lũ dữ hơn, tàn phá nặng nề hơn”.
Ông Thắng cũng cho biết, hơn 20 năm qua, các dự án thủy điện nhỏ với quy mô khác nhau cùng với nhu cầu phát triển hạ tầng đã làm biến mất hàng chục ngàn héc-ta rừng đầu nguồn. Phần lớn các trận lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở những nơi đồi núi trọc và rừng nghèo. Mất rừng, mất đất tất yếu mất khả năng điều tiết ở thượng nguồn, là nguyên nhân kích hoạt lũ quét và sạt lở đất.
Lo lắng cho sự an toàn của người dân, ông Hoàng Đức Thắng cho rằng, sẽ là quá muộn nếu không tiến hành tổng rà soát lại, đánh giá đầy đủ thực trạng rừng, khả năng thực tế về độ che phủ cũng như chất lượng rừng. Hệ thống hồ đập trong phạm vi cả nước, đặc biệt là các dự án thủy điện vừa và nhỏ cũng phải được rà soát và đánh giá lại về hiệu quả và mức độ an toàn, nhất là tác động của nó đối với rừng, và chế độ dòng chảy. “Tôi kiến nghị Quốc hội có các cuộc giám sát tối cao để có các quyết sách mạnh mẽ về mục tiêu, loại bỏ các công trình không hiệu quả, không đảm bảo an toàn, làm ảnh hưởng đến rừng”, ông Thắng nhấn mạnh.