Có một tiệm cắt tóc đặc biệt giữa lòng TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, nơi chủ và các nhân viên đều là người câm điếc bẩm sinh. Vượt lên trên số phận, chàng chủ tiệm trẻ tuổi Văn Khắc Huấn đã quyết tâm theo đuổi đam mê, trở thành một nhà tạo mẫu tóc và dạy nghề cho rất nhiều có hoàn cảnh giống mình.

Bước chân vào tiệm tóc của Huấn là một không gian thư thái với tiếng nhạc du dương, nhẹ nhàng. Không có tiếng nói, chỉ có những nụ cười, chủ, nhân viên và khách giao tiếp với nhau bằng chữ viết, hình ảnh và ngôn ngữ ký hiệu…

Một ngày như mọi ngày, chị Nguyễn Thị Hưng, một khách hàng thân thiết của tiệm tới sử dụng dịch vụ gội đầu, dưỡng tóc trước khi đi làm. Thường xuyên đến không phải do đây là tiệm tóc của những người khiếm khuyết, mà chị Hưng chắc chắn một điều “chất lượng dịch vụ” chính là điều khiến chị hài lòng, giữ chân chị suốt 6 năm qua.

“Lần đầu mình tới thấy chất lượng rất ô-kê. Những lần sau đến càng cảm nhận các bạn phục vụ tốt. Mình làm việc trong môi trường ồn ào, tới đây cảm giác rất yên tĩnh, thư giãn, hợp với gu của mình” – chị Hưng vui vẻ cho biết.

Có lẽ bất cứ ai cũng sẽ ấn tượng khi bước vào là tấm biển “Tôi là người điếc, hãy vỗ vai tôi hoặc viết ra điện thoại khi bạn cần nhé”. Khách đến sẽ được chào đón niềm nở và viết yêu cầu ra điện thoại hoặc giấy.

Chị Hưng tâm đắc kể “Các bạn nhân viên ngoan lắm, thí dụ có nhỡ bắn nước vào đâu là các bạn rất lo lắng, lấy khăn lau cho khách luôn, phải nói các bạn rất ngoan”.

Qua thông dịch viên, chúng tôi hiểu những ngôn ngữ ký hiệu mà Huấn chia sẻ “Mình không may mắn khi mẹ mất sớm, một mình bố nuôi 2 anh em đến năm 2007, mình được nhận vào trung tâm bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Sau khi học xong văn hóa, năm 2012 mình bắt đầu với đam mê làm tóc”. Bằng những động tác thuần thục, Huấn say mê kể về câu chuyện khởi nghiệp của mình như thế.

Học nghề xong, điều Huấn khao khát là có thể tự mở một Salon tóc cho riêng mình và tạo công ăn việc làm cho những bạn có cùng hoàn cảnh. Nhiều bạn đến từ nhiều địa phương ở xa như Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ, Móng Cái... “Tiệm tóc không lời” đã thực sự trở thành “chốn đi về”, là nơi để các bạn điếc gặp gỡ, hỗ trợ nhau trong công việc.

“Các bạn điếc thường sẽ không có nơi giao tiếp, bố mẹ không hiểu nên các bạn cố gắng đến đây, tiệm tóc như một gia đình” - chị Hoàng Thị Nhã Phương, nhân viên Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh cho biết.

Vừa chăm chỉ xây giấc mơ của mình nhưng Khắc Huấn cũng nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ cộng đồng người điếc, giúp nhiều người đồng cảnh xây giấc mơ cho riêng họ. Kể từ khi thành lập đến nay, mỗi năm Huấn đã đào tạo hàng chục bạn điếc về nghề làm tóc. Nhiều bạn đã thạo nghề và mở được của hàng riêng tự lập kiếm sống.

Chị Nhã Phương, nhân viên Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh khẳng định “Nhiều bạn là người điếc, chập chững tìm định hướng cho mình. Họ học nghề tóc và có được việc làm duy trì cuộc sống. Hơn nữa các bạn còn được học hỏi, giao lưu với nhau hàng ngày, điều này có ý nghĩa nhân văn lớn”.

Không chỉ khởi nghiệp thành công, Huấn còn có một gia đình hạnh phúc bên chị Lê Thị Yến, vợ Huấn. Yến luôn là hậu phương vững chắc, ủng hộ Huấn trong mọi việc.

“Nếu có khách thì làm tóc, ngoài ra thời gian chồng em dạy các bạn học nghề. Các bạn ấy rất đam mê và tiến bộ từng ngày” - Yến kể.

Với một tình yêu giản dị mang lại mái tóc đẹp, nụ cười vui đến mọi người, Huấn và các bạn nhân viên “Tiệm tóc không lời” đã mang đến nguồn năng lượng tích cực và tinh thần lạc quan tới nhiều người.

“Từ ngày các bạn chuyển về đây, hàng xóm ai cũng quý. Dù thiệt thòi, nhưng các bạn ấy sống rất nhiệt tình, vui vẻ, không tự ti về khiếm khuyết của mình” – chị Nguyễn Thị Sinh, hàng xóm “Tiệm tóc không lời” chia sẻ.

Người điếc vốn đã gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Khi họ lớn lên, trưởng thành có một công việc để làm, mang lại thu nhập và có thể tự nuôi sống bản thân là điều vô cùng đáng quý. Bởi vậy Huấn càng trân trọng công việc ý nghĩa mình đã chọn, không ngừng nỗ lực vươn lên để tiếp tục dạy nghề, tạo việc làm cho nhiều người cùng cảnh ngộ khác./.

Một số hình ảnh khác tại "Tiệm tóc không lời":