Theo bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mới đây Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức hội nghị với các địa phương và các ngành kinh tế trọng điểm để nắm bắt tình hình thiếu hụt về lao động. Đặc biệt qua phản ánh của các cấp công đoàn, mặc dù ở thời điểm này các doanh nghiệp chưa sản xuất hết công suất, tuy nhiên tình trạng thiếu hụt lao động ở mức khá nghiêm trọng. Chẳng hạn như tại tỉnh Bình Dương, theo con số báo cáo, hiện tại đang thiếu hụt khoảng 90.000 lao động, Long An thiếu hụt khoảng 51.000 lao động, Hải Phòng trên 50.000 lao động, Tây Ninh 46.000 lao động, hay như là Bắc Ninh khoảng 25 đến 30.000 lao động và Hà Nội là khoảng 26.000 lao động như vậy là nhu cầu thiếu hụt lao động….Điều này thực sự gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp trong việc bố trí, ổn định sản xuất
Nhìn nhận từ thực tế của các doanh nghiệp sản xuất da giầy, túi sách, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giầy túi xách cho biết, việc người lao động bị F0 tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp khi mà các vị trí trong nhà xưởng đều bị thiếu hụt, thậm chí có nhiều dây truyền phải ngừng sản xuất và có những doanh nghiệp phải đóng cửa cả nhà máy.
“Các doanh nghiệp hầu như đã ký đơn hàng đến quý 2 năm nay và khi người lao động là F0 tăng cao gây gián đoạn chuỗi sản xuất. Điều này buộc các nhà máy phải có thông báo với khách hàng và yêu cầu khách hàng giãn tiến độ thì mới có thể triển khai được đơn hàng theo như hợp đồng đã ký kết”, bà Thanh Xuân chia sẻ.
Ngoài việc thương lượng lại thời gian với các khách hàng, các doanh nghiệp cũng phải gồng mình lên để tiếp tục duy trì các chuỗi sản xuất. Các trường hợp F0 thì phải tạm thời cho nghỉ việc. Còn những người lao động là F1 vẫn có thể tiếp tục công việc nhưng, bà Xuân cho rằng sẽ phải khoanh vùng và chia thành khu vực cách ly riêng để đảm bảo sự an toàn, tránh ảnh hưởng tới những dây chuyền sản xuất khác.
“Thực ra doanh nghiệp phải thực hiện một loạt các hoạt động, linh hoạt ứng phó để làm sao có thể duy trì được sản xuất cũng như giúp cho những người lao động bị F0 nhanh chóng khỏi bệnh và quay trở lại làm việc một cách nhanh chóng”, bà Xuân cho biết.
Cùng chung nhận định với bà Phan Thị Thanh Xuân, bà Hồ Thị Kim Ngân cho rằng: Tình trạng thiếu hụt lao động hiện nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đã sẵn sàng kế hoạch sản xuất các đơn hàng đến giữa quý II.
Bà Ngân khẳng định: “Nếu không có được những giải pháp ngay lập tức thì chắc chắn là nó sẽ ảnh hưởng đến cả chuỗi cung ứng cũng như kế hoạch phục hồi kinh tế của nước ta trong năm nay”.
Cũng theo thông tin từ bà Hồ Thị Kim Ngân, trên cơ sở các kiến nghị của công đoàn cơ sở cũng như người lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đang hoàn thiện bản đề xuất các giải pháp mang tính tổng thể để gửi báo cáo với Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành chức năng.
“Đề xuất này hướng tới các giải pháp toàn diện, khả thi, linh hoạt có tầm nhìn sát với thực tế để giải quyết bài toán về thiếu hụt lao động trên nhiều khía cạnh chứ không phải chỉ dưới góc độ của người sử dụng lao động hay người lao động”, bà Ngân nhấn mạnh.
Tuy nhiên ngoài những giải pháp và cả sự đồng hành từ phía cơ quan chức năng, bà Ngân cho rằng cũng rất cần sự chủ động, thích ứng linh hoạt của chính các doanh nghiệp, những đối tượng chịu tác động trực tiếp từ việc thiếu hụt lao động. Trong bối cảnh hiện nay, không có cách nào khác buộc các doanh nghiệp phải thay đổi liên tục các giải pháp, như tăng thêm lương, cải thiện chế độ đãi ngộ, phúc lợi cho người lao động để có thể thu hút và lấp ngay chỗ trống nguồn nhân lực.
Mới đây, Bộ Y tế có đưa ra đề xuất, xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch covid-19 về việc cho F0, F1 đi làm trong thời gian cách ly. Theo bà Ngân, khi chuyển trạng thái chống dịch theo hướng an toàn, linh hoạt theo Nghị quyết 128 của Chính phủ đây là đề xuất cần thiết, phù hợp với thực tế và giúp cho tình trạng thiếu hụt lao động sẽ giảm bớt đi. Tuy nhiên vấn đề này liên quan đến sức khỏe của người lao động nên cần phải cân nhắc thận trọng để khi thực hiện không trái với các quy định pháp luật hiện hành.
Tính đến thời điểm này, tỉnh Long An là địa phương đầu tiên cho các trường hợp người lao động bị F0, F1 đang trong thời gian cách ly được tham gia làm việc trực tiếp. Tuy nhiên một số doanh nghiệp vẫn tỏ ra khá e dè vì lo ngại liệu khi F0, F1 vào làm việc có ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động khác. Chính vì thế nhiều doanh nghiệp chưa thể áp dụng ngay chủ trương này mà phải xem xét cụ thể, sau đó mới đưa ra quyết định.