Đánh giá chất lượng cán bộ, công chức chưa thực chất

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thời gian qua, Đảng, Chính phủ đã quan tâm đánh giá cán bộ nên kết quả có chuyển biến tích cực. Năm 2021, số cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 22%, trong khi trước đó là 30%; số không hoàn thành nhiệm vụ từ 1,7% những năm xuống chỉ có 0,5-0,6%. Đại biểu Hà Sỹ Huân (Đoàn Bắc Kạn) ghi nhận nỗ lực của Bộ Nội vụ, tuy nhiên, ông cho rằng việc đánh giá chất lượng cán bộ chưa thực chất, đồng thời yêu cầu người đứng đầu ngành nội vụ có giải pháp cho vấn đề này. “Thực trạng đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức viên chức hiện nay chưa thực chất, còn nể nang, né tránh, ngại va chạm. Đề nghị Bộ trưởng có giải pháp đánh giá cán bộ chính xác, hiệu quả”, đại biểu Hà Sỹ Huân đặt câu hỏi.

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (Đoàn Trà Vinh) dẫn báo cáo số 330 của Đoàn giám sát, báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 với nội dung, có đoạn nêu: năng lực của nhiều tổ chức, cá nhân tham mưu xây dựng, ban hành văn bản vi phạm pháp luật còn hạn chế. Cụ thể là còn thiếu kỹ năng phân tích, dự báo, thiếu tầm nhìn, thiếu kinh nghiệm thực tiễn nghiên cứu chính sách chưa sâu, chưa kỹ, chưa đánh giá hết các tác động của các chính sách ban hành; một số trường hợp còn thiếu trách nhiệm, nặng về lợi ích ngành, cơ quan, chưa quan tâm bố trí đủ công chức làm công tác pháp chế. Theo đại biểu Nga, đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lãng phí tài sản công, gây bức xúc trong nhân dân. “Với trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng có giải pháp gì để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức trong tham mưu xây dựng, ban hành văn bản vi phạm pháp luật hiệu quả, chất lượng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam theo Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV?”, đại biểu Hằng Nga nêu câu hỏi.

Trước dẫn chứng các đại biểu nêu ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa nhận, về tổng thể, việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức thời gian qua chưa sát với thực tiễn, chưa căn cứ vào sản phẩm, kết quả, như đại biểu nêu.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết trong thời gian tới, để việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức được tốt hơn, các cấp các ngành cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về đánh giá, đảm bảo đồng bộ, có tiêu chí và bằng sản phẩm cụ thể. Đồng thời sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để xây dựng đề án một cách căn cơ, hoàn chỉnh và cụ thể để chuẩn bị nguồn nhân lực về việc tham mưu, xây dựng hệ thống văn bản pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian mới. “Cần tập trung hoàn thiện xong việc xác định vị trí việc làm, làm cơ sở để đánh giá năng lực của cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm mới đảm bảo yêu cầu tốt hơn. Các bộ quản lý ngành, địa phương cần cụ thể hoá ở cơ quan đơn vị mình việc việc xếp loại, đánh giá công khai, công bằng, dân chủ, chính xác”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Tinh giản biên chế chưa gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ

Theo giải trình của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, về vấn đề tinh giản biên chế thời gian qua đã có sự nỗ lực vượt bậc: “Chúng ta giảm được 10,01% công chức và giảm được 11,67% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Và từ đó, đã góp phần quan trọng vào việc tinh gọn đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước”.

Các đại biểu Quốc hội thừa nhận nỗ lực cũng như kết quả mà ngành Nội vụ đạt được. Tuy nhiên, theo các đại biểu việc tinh giản biên chế thời gian qua chủ yếu là giảm về mặt cơ học. “Tinh giản biên chế tuy đã đạt chỉ tiêu về số lượng nhưng chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. Xin bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình trong việc tham mưu giải quyết vấn đề tinh giản biên chế?”, Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi.

Trả lời vấn đề đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà nêu ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa nhận một trong những mục tiêu của việc tinh giản biên chế là cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Tuy nhiên, kết quả chưa đạt được kết quả như mong đợi: “Giai đoạn vừa qua, tuy chúng ta đã thực hiện được chỉ tiêu tinh giản nhưng việc cơ cấu và gắn với vị trí việc làm trên thực tiễn mới chỉ đang tịnh tiến, chưa đạt được mục tiêu. Tôi xin nhận trách nhiệm!”.

Một số đại biểu cho rằng việc tinh giản biên chế còn cứng nhắc, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của một số ngành nghề, lĩnh vực, cũng như đời sống của một bộ phận cán bộ, công chức. Trên cơ sở đó, các đại biểu đề nghị người đứng đầu ngành nội vụ có giải pháp khắc phục. “Việc tinh giản biên chế trong giai đoạn vừa qua còn tình trạng tinh giản biên chế cơ học, cào bằng giữa các địa phương, đơn vị, lĩnh vực, dẫn đến thiếu cục bộ một số lĩnh vực, địa phương. Đề nghị Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân chính, giải pháp giải quyết vấn đề này trong thời gian tới thế nào và bao giờ thì giải quyết được?”, đại biểu Tao Văn Giót (Đoàn Lai Châu) nêu vấn đề, yêu cầu giải trình.

Đại biểu Vương Thị Hương (Đoàn Hà Giang) còn nêu rõ hai ngành bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc tinh giản biên chế có phần cứng nhắc của Bộ Nội vụ. “Việc tinh giản ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hiện nay chưa tính tới yếu tố vùng miền, chủ yếu tập trung vào ngành giáo dục, y tế, do ngành này chiếm tới hơn 90% tổng viên chức của các địa phương. Trong khi, các tỉnh vùng núi, biên giới với đặc thù về vị trí địa lý, địa hình, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Việc đẩy mạnh cơ chế tự chủ cũng như thực hiện xã hội hóa hai lĩnh vực này là rất khó thực hiện, dẫn tới ảnh hưởng quyền lợi của người dân và sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Bộ trưởng có giải pháp gì để chia sẻ với các địa phương trong thời gian tới?”, đại biểu Vương Thị Hương đặt câu hỏi.

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng thừa trong quá trình cơ cấu đội ngũ, thực hiện tinh giản, bước đầu phải thực hiện theo cách cơ học, giao chỉ tiêu. Có lúc, có nơi còn xảy ra tình trạng cào bằng.

Người đứng đầu ngành Nội vụ cho biết việc tinh giản biên chế như mục tiêu đề ra cần sự quyết tâm, đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành. Trong đó, việc sắp xếp lại bộ máy là hết sức quan trọng. “Vừa qua, các cơ quan đang thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong cơ quan bộ, ngang bộ thuộc Chính phủ; cải cách tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính bên trong các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tới Trung ương... Mục tiêu là giảm 10% đầu mối từ Trung ương tới địa phương với phương châm Trung ương gương mẫu, địa phương cùng thực hiện”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Lắng nghe và điều hành phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá, với tinh thần cầu thị, không né tránh, phần trả lời chiều nay của Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã hoàn thành tương đối tốt. Sáng mai (05/11) Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà tiếp tục trả lời một số câu hỏi mà các đại biểu Quốc hội nêu ra ở cuối giờ chiều nay.