Nhóm đối tượng này giả mạo công ty cho vay tài chính, tạo lập facebook chạy quảng cáo về hoạt động cho vay qua mạng. Khi người dân có nhu cầu vay tiền thì chúng yêu cầu phải nộp số tiền bảo hiểm khoản vay để được giải ngân. Và khi “cá đã cắn câu” chúng chặn mọi liên lạc với khách. Hơn 2 nghìn người trên 63 tỉnh, thành đã bị lừa đảo.

Thượng tá Đinh Ngọc Văn - Trưởng phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ninh chỉ ra 6 hình thức lừa đảo mà loại tội phạm công nghệ cao thường sử dụng. Đó là dùng mạng xã hội, giả danh sân bay hải quan để nhận quà; Chiếm tài khoản facebook và vay tiền người thân, bạn bè; Lập trang web bán hàng để các đối tượng chuyển tiền, khi lừa được nhiều người, web bị đánh sập và nạn nhân thì không thể tìm kiếm để đòi lại tiền; Giả danh cơ quan Nhà nước, công an gọi điện và yêu cầu mã OTP, nộp tiền; Lừa đảo kinh doanh bằng huy động vốn, tiền ảo; Chiếm đoạt tài khoản banking...

"Nhiều vụ án sử dụng không gian mạng chiếm đoạt mang tính xuyên biên giới mà chúng ta thì còn có những hạn chế trong hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp" - Thượng tá Định Ngọc Văn cho biết.

Một trong những khó khăn nữa đối với lực lượng chức năng đó chính là công dân thiếu sự hợp tác với cơ quan chức năng. Có người vì ngại, xấu hổ, người thì thấy số tiền không nhiều nên đành im lặng cho qua. Sự im lặng đó khiến cho cái xấu, cái ác càng lộng hành.

"Công dân cần tỉnh táo, thận trọng khi tham gia không gian mạng, cần chú ý giữ gìn bảo mật thông tin cá nhân…Nếu tội phạm có được thông tin này rất có thể bạn sẽ trở thành nạn nhân. Khi trao đổi với người khác trên mạng, liên quan đến thông tin cho vay, mua bán cần phải xác minh người đó là ai có đúng là bạn bè người quen biết hay không?" - Thượng tá Đinh Ngọc Văn khuyến cáo.

Mỗi chúng ta cần phải tỉnh táo trước mọi lời mời từ cho vay lãi thấp, nhận quà tặng hay cả lời đe dọa từ một cuộc gọi xa lạ. Khi bị lừa đảo hãy đến ngay cơ quan chức năng để trình báo. Lên tiếng đấu tranh với cái ác để nhiều người được cảnh báo và bảo vệ./.