Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2023. Tại Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tập trung khắc phục nhanh nhất tình trạng ách tắc trong hoạt động đăng kiểm phương tiện giao thông. Chính phủ cũng yêu cầu phải có giải pháp hiệu quả giải quyết dứt điểm, bảo đảm công tác đăng kiểm trở lại hoạt động bình thường trong tháng 3 này.

Trước tình hình bất cập của công tác đăng kiểm trong thời gian qua, đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp và đời sống bình thường của người dân, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an để xử lý ngay tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại các trung tâm đăng kiểm.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải trước mắt cần khẩn trương ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất đối với những vấn đề vượt thẩm quyền để cho phép các trung tâm bảo trì, bảo dưỡng của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu xe ô tô đủ điều kiện được tham gia thực hiện kiểm định xe; thực hiện miễn đăng kiểm lần đầu đối với ô tô mới sản xuất, lắp ráp và xe cơ giới nhập khẩu chưa qua sử dụng.

Bộ Giao thông Vận tải cũng cần tập trung huy động, điều phối nhân lực đăng kiểm viên, cán bộ nghiệp vụ ở các địa phương khác "chi viện" cho các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh kết hợp tăng ca, kíp để đáp ứng nhu cầu kiểm định của người dân. Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng huy động các đơn vị có chức năng, đủ điều kiện thực hiện hoạt động đăng kiểm của hai Bộ tham gia hỗ trợ...

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, công tác kiểm định phương tiện giao thông là dịch vụ công rất quan trọng, bảo đảm an toàn, tính mạng cho người dân, đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật và trình độ. Việc khởi tố, điều tra các vụ án tại Cục Đăng kiểm, nhiều trung tâm đăng kiểm đã bộc lộ rõ những sai phạm, yếu kém cụ thể; từ đó, xác định được nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm để chấn chỉnh, xử lý, nhằm thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan quản lý nhà nước với người dân.

"Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước là cung cấp dịch vụ công cho người dân. Những sai phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, một số trung tâm đăng kiểm là hết sức nhức nhối, ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng của người dân. Vì vậy, trong khi giải quyết, xử lý những yếu kém của quản lý nhà nước, phải tìm giải pháp tốt nhất, không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Đồng thời, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong một thời gian dài, việc thực hiện kiểm định, hoán cải phương tiện giao thông vận tải diễn ra rất tùy tiện, không đúng các quy chuẩn kỹ thuật, quy định pháp luật. Vì vậy, chuyên án của Bộ Công an góp phần chấn chỉnh, lập lại trật tự trong lĩnh vực đăng kiểm, nâng cao niềm tin của người dân; đồng thời cho thấy trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cũng như những bất cập trong mô hình xã hội hóa hoạt động đăng kiểm.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải có phương án, giải pháp xử lý dứt điểm những tồn tại, yếu kém nhưng không được làm ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ đăng kiểm cho người dân.

Sau chỉ đạo của Chính phủ, mong hoạt động đăng kiểm sớm trở lại bình thường

Chia sẻ với PV VOV2, TS Nguyễn Hồng Thái, chuyên gia ngành Giao thông vận tải cho rằng, trước những bất cập của công tác đăng kiểm trong thời gian qua gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp và đời sống bình thường của người dân, doanh nghiệp thì buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an để xử lý ngay tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại các trung tâm đăng kiểm là vô cùng quan trọng, thể hiện đúng tinh thần của một Chính phủ luôn lắng nghe, chia sẻ và đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp. TS Thái mong rằng, sau cuộc làm việc này, Bộ Giao thông vận tải, các bộ ban ngành, cơ quan liên quan cần tích cực phối hợp trên tinh thần trách nhiệm cao nhất tìm ra giải pháp để sớm đưa hoạt động đăng kiểm trở lại bình thường, giảm nỗi bức xúc, khó khăn của người dân, doanh nghiệp.

Còn nói như chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy, sự chỉ đạo vào cuộc kịp thời của Chính phủ là cần thiết nhưng quan trọng hơn đây là lúc thể hiện tài năng của Bộ Giao thông vận tải, cơ quan đăng kiểm.

Từng chật vật, mệt mỏi, mất thời gian, thậm chí phải cả ăn ngủ trên ô tô 2 ngày đêm để được đăng kiểm xe trong những ngày vừa qua, TS Đinh Duy Hòa, nguyên là cán bộ của Bộ Nội vụ bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi khi nỗi khổ của người dân đã thấu đến chính phủ.

“Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã thay mặt chính phủ để vào cuộc và đưa ra những chỉ đạo nóng xử lý dứt điểm tình trạng này, đây là một điều đáng mừng. Tiếng kêu về khó khăn, vất vả, mệt mỏi, mất thời gian của người dân, doanh nghiệp trong những ngày qua cuối cùng cũng đã đến tai Chính phủ”. TS Đinh Duy Hòa, tin chắc với sự chỉ đạo này những bất cập của hoạt động đăng kiểm hiện nay sẽ có chuyển biến. Tuy nhiên ông Hòa cũng thẳng thắn nhìn nhận, sự chỉ đạo, vào cuộc này cũng không phải là tất cả để có thể chuyển biến ngay được mà vẫn cần có thời gian và cả tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp quyết liệt của các Bộ, ban ngành.

Nói về các giải pháp được đề xuất để xử lý những khó khăn trước mắt, ông Hòa nhấn mạnh cần thiết phải có sự huy động, yêu cầu chi viện nhân lực từ các địa phương, tỉnh lân cận cho các điểm nóng Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Hoặc cũng có thể huy động lực lượng quân đội, công an có chuyên môn trong lĩnh vực này, rồi cả những cơ sở sửa chữa bảo hành lớn thì cũng có thể tạm thời huy động.

Trong buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu, về lâu dài, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Công an để xem xét phương thức tách chức năng quản lý nhà nước và hoạt động của các trung tâm kiểm định, bảo đảm minh bạch, rõ ràng;

Chia sẻ về vấn đề này, TS Đinh Duy Hòa cho rằng, khi tổ chức lại hoạt động đăng kiểm đặt ra yêu cầu đầu tiên là xem lại chức năng, nhiệm vụ của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Hiện nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa xây dựng thể chế chính sách trình các cơ quan nhà nước cấp trên hoặc tự mình ban hành, rồi sau đó tự mình thực hiện công tác kiểm định xe cộ, tự mình công bố tiêu chuẩn đơn vị đăng kiểm rồi chứng nhận điều kiện hoạt động của đơn vị đăng kiểm. “Như vậy không khác gì, anh vừa đá bóng, vừa thổi còi”, TS Đinh Duy Hòa phân tích.

Bởi vậy theo ông Hòa, muốn hoạt động đăng kiểm tốt, phòng và chống tiêu cực triệt để thì điều kiện tiên quyết là tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. Bộ phận hoạch định thể chế, chính sách, tức bộ phận quản lý nhà nước nếu công việc vừa phải là một phòng, nếu nhiều việc là một vụ thuộc cơ cấu giúp Bộ trưởng Giao thông Vận tải quản lý nhà nước về công tác đăng kiểm.

“Tiến tới thậm chí có thể không cần tổ chức các trung tâm đăng kiểm của nhà nước cũng được, mà lúc đó Cục đăng kiểm chỉ cần ban hành các tiêu chuẩn, quy định và thực hiện chức năng quản lý, giám sát, kiểm tra. Còn hiện tại có thể vừa công, vừa tư làm nhưng chắc chắn sẽ phải tổ chức lại và xác định rõ chức năng nhiệm vụ của cơ quan này”. TS Đinh Duy Hòa thẳng thắn nêu quan điểm.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, cả nước hiện có 61/281 trung tâm đăng kiểm bị tạm dừng hoạt động, trong đó có 53 trung tâm đăng kiểm tạm dừng hoạt động phục vụ công tác điều tra, 8 trung tâm đăng kiểm do không đủ điều kiện theo Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Đáng chú ý, tại Hà Nội, 22/31 đơn vị đăng kiểm với 41 dây chuyền kiểm định đang dừng hoạt động. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, 9 trung tâm đăng kiểm với 17 dây chuyền kiểm định bị tạm dừng hoạt động khiến tình trạng ùn tắc đăng kiểm ngày càng nghiêm trọng. Khả năng đáp ứng nhu cầu kiểm định xe của người dân chỉ đạt khoảng 40% ở Hà Nội và 50% ở Thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí, có tháng chỉ đạt khoảng 30%.