Sáng nay 17/5, sau hai ngày rưỡi làm việc, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì đã thành công tốt đẹp.

Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII lần này là Trung ương lấy phiếu tín nhiệm đối với các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư theo quy định mới của Đảng, Quy định 96 (thay thế Quy định 262).

Đây không phải lần đầu Ban Chấp hành Trung ương lấy phiếu tín nhiệm với những vị trí này. Tuy nhiên, Quy định 96 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị có nhiều điểm mới.

Theo Quy định 96, đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm là những cán bộ giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc. Đối với cán bộ đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu thì không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm.

Việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 (năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp). Kết quả phiếu tín nhiệm được công bố tại các hội nghị lấy phiếu tín nhiệm. Đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư thì công khai trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí cộng sản: So với Quy định 262 trước đó, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ chỉ để tham khảo trong đánh giá cán bộ. Còn theo Quy định 96 thì việc lấy phiếu tín nhiệm là một nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ. Ngoài ra TS Vũ Văn Phúc cũng cho rằng, một điểm mới rất căn bản và cũng là điểm nhấn rất quan trong quy định 96 đó chính là việc lấy phiếu tín nhiệm luôn gắn với công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực.

Quy định 96 cũng bổ sung thêm tiêu chí về sự gương mẫu của cả vợ, chồng, con của các cán bộ lãnh đạo quản lý được lấy phiếu tín nhiệm trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như trách nhiệm nêu gương của cán bộ để xem xét khi lấy phiếu tín nhiệm. Đây là tiêu chí quan trọng để có tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo quản lý.

“Có thể nói Quy định 96 có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh hiện nay, gắn chặt với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công cuộc phòng, chống tham nhũng tiêu cực, giúp Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh hơn”, TS Vũ Văn Phúc khẳng định.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, Ban Tổ chức trung ương đánh giá cao những kết quả mà Hội nghị Trung ương 7 đã làm được. Đây là hội nghĩ giữa nhiệm kỳ, mặc dù thời gian rất ngắn (chỉ trong 2,5 ngày làm việc) nhưng trung ương đã làm 2 việc cực kỳ quan trọng.

Hội nghị đã đánh giá lại sự chỉ đạo lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư về những việc làm được, chưa làm được trong triển khai Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng trong 2 năm rưỡi qua, cũng như tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trong nửa nhiệm kỳ còn lại với quyết tâm thực hiện thắng lợi NQ13 của Đảng. Ngoài nội dung này, ông Nguyễn Đức Hà cũng đánh giá cao việc trung ương lấy phiếu tín nhiệm với các Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban bí thư. Theo ông Hà, đây không phải lần đầu tiên, trung ương tiến hành việc này, nhưng việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư tại hội nghị giữa nhiệm kỳ lần này có một ý nghĩa vô cùng quan trọng.

“Việc này nhằm mục đích để các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm nắm được, biết được, đo được những ưu điểm, sự tín nhiệm của mình để tự soi, tự sửa, phát huy ưu điểm và khắc phục hoàn thiện các nhược điểm”, khẳng định điều này, ông Hà cho rằng, suy cho cùng là tất cả các quy định, quy chế về công tác cán bộ là để nhằm mục đích chọn và đánh giá đúng cán bộ, bố trí đúng người đúng việc.

Cũng theo ông Hà, trong Quy định 96 lần này, Bộ Chính trị nhấn rất mạnh và chỉ rất rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, của cấp uỷ, cơ quan tham mưu cũng như người được lấy phiếu tín nhiệm, người được ghi phiếu. Ông Hà tin rằng kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này sẽ phản ánh đúng thực chất, đánh giá đúng cán bộ, không bị sai lệch.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh, việc lấy phiếu tín nhiệm và sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này cần bảo đảm tính dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch. Kiên quyết không để xẩy ra vi phạm hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ.