Để bảo vệ môi trường, giảm lượng rác nhựa thải ra môi trường cần những hành động thực tế chứ không chỉ là những khẩu hiệu chung chung. Với những sinh viên như Đinh Thị Hồng, hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần trong sinh hoạt hàng ngày là một trong những hành động hướng tới lối sống xanh. Theo chia sẻ của Hồng, em luôn sử dụng chai đựng nước cá nhân, khi đi mua nước thì mang theo hoặc sử dụng đồ uống đóng lon. Hành động thực tế này ấy đã được lan tỏa, khi bạn bè của Hồng cũng cùng hạn chế việc sử dụng đồ nhựa và thay thế đồ dùng một lần bằng những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Nhựa hay chất dẻo tổng hợp không có sẵn trong tự nhiên mà là sản phẩm nhân tạo, cần thời gian rất lâu để phân hủy. Chai nhựa cần từ 450 -1.000 năm, ống hút nhựa và túi nilon thì phải mất từ 100 – 500 năm mới phân hủy hết. Chính vì thế, những hành động thực tế của mỗi cá nhân không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường mà còn hướng tới một cuộc sống xanh, sạch hơn. Đây cũng là điều mà Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, phó chi hội trưởng Chi hội Nữ Trí thức Bảo vệ Môi trường và Biến đổi khí hậu, Hội nữ trí thức Việt Nam chia sẻ.

Ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những thực trạng đáng báo động hiện nay. Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy, mỗi năm thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa nhưng chỉ một phần trong số này được xử lý. Theo phân tích của Tiến sĩ Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, giảm thiểu rác thải nhựa là vấn đề nhạy cảm giới vì có liên quan trực tiếp đến sức khỏe của nam và nữ. Nhận thức tốt sẽ tác động trực tiếp tới lượng rác thải nhựa chúng ta thải ra hàng ngày.

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc, mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nhựa và khoảng 40% nhựa được sản xuất dùng để đóng gói. Từ năm 1969 đến nay, lượng nhựa tiêu dùng đã tăng gấp 20 lần và sẽ tăng nhanh theo cấp số nhân trong tương lai. Riêng Hà Nội và TP.HCM thải ra môi trường 80 tấn nhựa và nilon trong một ngày. Tuy nhiên, lượng rác thải nhựa được tái chế lại không nhiều. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng để tái chế hiệu quả trong thực tiễn theo bà Hoàng Hoa, chuyên gia Xã hội học cần có cách tiếp cận khác trong việc xử lý rác thải nhựa. Kinh nghiệm của các nước nếu áp dụng phù hợp với điều kiện của Việt Nam sẽ cho hiệu quả cao.

Tái chế rác thải nhựa là phương pháp phổ biến và được ưu tiên nhiều nhất hiệu nay. Chúng ta có thể tận dụng chất thải nhựa để tạo ra những sản phẩm mới có ích hơn. Chính vì thế việc nâng cao nhận thức của mỗi người để thay đổi hành vi giảm xả rác thải nhựa cần trở thành hành động thực tế ngay từ bây giờ chứ không chỉ là khẩu hiệu chung chung./.