Nghe chương trình tại đây:

Trong tiếng Hàn, Sisicallcall có nghĩa là “Hãy gọi cho tôi, chia sẻ những điều nhỏ nhất”. Những sinh viên trẻ của Đại học Ewha và Seol đã cùng xây dựng một ứng dụng trên điện thoại di động có tên Sisicallcall cho phép kết nối người khiếm thị với những người không khuyết tật xung quanh.

"Chúng tôi đã bắt đầu dự án này ở Hàn Quốc với mục đích là giúp người khiếm thị giải quyết công việc hàng ngày một cách dễ dàng hơn bằng cách liên kết người khiếm thị với người sáng mắt" - Seungji Baek trưởng nhóm Dự án cho biết.

Dự án này bắt đầu từ tháng 5/2021, tham gia chương trình phát triển những doanh nghiệp xã hội do Ngân hàng Hàn Quốc tài trợ.

"Tôi đã đến Việt Nam 2 lần để du lịch. Tôi thấy ở Việt Nam phương tiện cá nhân rất nhiều, vỉa hè thì không có nhiều khoảng trống. Tôi tự hỏi vậy người khiếm thị sẽ tham gia giao thông như thế nào?" - Đó là lý do mà nhóm dự án đã mang Sisicallcall sang thử nghiệm ở Việt Nam trên ứng dụng Zalo từ tháng 7/2022.

Nguyễn Thị Thanh Huyền - sinh viên Học viện Thanh Thiếu niên VN bắt đầu kỳ nghỉ hè của mình bằng việc tham gia dự án thử nghiệm ứng dụng Sisicallcall với vai trò là người hỗ trợ. "Em muốn làm điều gì đó ý nghĩa cho mùa hè này" - Huyền nói.

Sau khóa tập huấn các kỹ năng cần thiết khi hỗ trợ người khiếm thị như cách giao tiếp, đưa dắt người khiếm thị trên đường, Huyền đã nhận được công việc đầu tiên đó là đưa một sinh viên khiếm thị đến ngân hàng làm thủ tục.

“Đơn hàng” đầu tiên của Huyền kết thúc bằng tiếng cười và lời cảm ơn của bạn sinh viên khiếm thị là Nguyễn Đức Nghị. "Bình thường em sẽ phải nhờ bạn bè đi cùng. Không phải lúc nào cũng nhờ được. Khi có ứng dụng này em sẽ chủ động hơn" - Nghị nói với phóng viên VOV2.

Jaewon Jang sinh viên trường Đại học nữ sinh Ewha, Hàn Quốc là thành viên của dự án này. Jaewon kể rằng ý tưởng dự án này đến từ chính người mẹ của em.

"Mẹ tôi là người hỗ trợ cho người khiếm thị. Mẹ nói rằng họ rất cần được hỗ trợ nhiều hơn. Vậy là tôi đã gặp các bạn trong dự án, chia sẻ ý tưởng và chúng tôi đã cùng nhau thực hiện" - Jaewon tóc ngắn hào hứng chia sẻ về ý tưởng.

Tại Hàn Quốc có khoảng 2,5 triệu người khuyết tật trong đó có 10% là người khiếm thị. Mỗi người khiếm thị ở Hàn Quốc sẽ nhận được trung bình 120 giờ hỗ trợ trong một tháng. Nhân viên công tác xã hội sẽ đến hỗ trợ, dọn dẹp nhà cửa, đưa người khiếm thị đi siêu thị hoặc làm công việc họ cần. Họ chỉ việc trả 20% tổng số tiền, còn lại do Chính phủ chi trả.

Ứng dụng Sisicallcall ra đời ở Hàn Quốc với phiên bản đơn giản, hỗ trợ thêm cho người về hưu nhiều thời gian rảnh có thêm công việc và thu nhập. Còn khi thử nghiệm ở Việt Nam, những người tham gia hỗ trợ chủ yếu là các bạn trẻ, biết sử dụng Zalo. Jaewon cho rằng nếu ứng dụng này được phát triển thì người tham gia sẽ dự một khóa tập huấn. Khi đạt được số giờ hỗ trợ nhất định, họ sẽ được một giấy chứng nhận.

Lã Minh Trường - sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội là một người khiếm thị. Trường vừa có trải nghiệm đầu tiên với dịch vụ hỗ trợ này. "Đây là ý tưởng mới khiến người khiếm thị như em có thể chủ động hơn trong cuộc sống mà không cảm thấy phiền hà" - Trường đánh giá.

Sau khi hoàn thành công việc, người hỗ trợ tham gia thí điểm cho dự án sẽ nhận được số tiền 20 nghìn đồng và thanh toán tiền xe buýt, xe ôm hay taxi. Trong tương lai khi dự án phát triển, người khiếm thị sẽ phải chi trả một phần dịch vụ này. Và dĩ nhiên, các thành viên dự án đều hy vọng Chính phủ hoặc các tổ chức xã hội sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho người khiếm thị như một phần phúc lợi xã hội.

"Chúng tôi không muốn đây là hoạt động từ thiện. Người sử dụng dịch vụ chi trả một khoản tiền chấp nhận được trong khả năng và người hỗ trợ cũng nhận một số tiền, như vậy dịch vụ mới phát triển bền vững"-Seungji Baek chia sẻ.

Cả Nghị và Trường đều cho rằng các em đều có thể chi trả dịch vụ này ở mức cho phép. Bởi người khiếm thị trẻ hiện nay đều được học hành, cơ hội việc làm cũng như thu nhập cũng rộng mở hơn.

Đại diện nhóm dự án là Seungji Baek, Jaewon Jang và Phạm Thị Minh Thương - cô gái Việt Nam đang học tại Đại học Seol mong muốn dự án có thể lan tỏa để không chỉ người khiếm thị mà người khuyết tật nặng cũng có thể tham gia ứng dụng này.

Những thử nghiệm bước đầu ở Hà Nội sẽ là tiền đề thúc đẩy nhóm hoàn thiện ứng dụng trên điện thoại. Các cô gái nói rằng ở các nước đang phát triển việc chi trả cho dịch vụ thuê người hỗ trợ qua ứng dụng chưa phát triển và chưa nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ hay các tổ chức. “Chúng tôi tin rằng, ứng dụng sẽ góp phần thay đổi cuộc sống của người khiếm thị. Họ chủ động và tự tin hơn với chính cuộc đời của mình”- các thành viên dự án chia sẻ.