Trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế HTX đã có bước phát triển mới về số lượng, hiệu quả; hoạt động được nâng cao, với đủ các loại hình dịch vụ thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn phát triển. Các HTX nông nghiệp đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất và nhất là đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản.

Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành nhiều chính sách, tạo điều kiện tốt nhất để các HTX phát triển. Vĩnh Phúc là một trong những địa phương đi đầu trong việc hỗ trợ phát triển HTX bằng việc chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai Nghị Quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 9 về Tiếp tục đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Kết luận số 56 của Bộ Chính trị và một số văn bản chỉ đạo của Trung ương. Lãnh đạo tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ kinh tế hợp tác, cùng với đó tỉnh đã đưa đội ngũ tri thức trẻ về làm việc tại HTX, lương của đội ngũ này do ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần….. Ông Lê Duy Thành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhìn nhận: Dù đạt được những kết quả khả quan nhưng hiện các HTX trên địa bàn tỉnh vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng do có nhiều nguyên nhân như: Vai trò, pháp nhân của HTX còn thiếu, khó khăn do tiếp cận nguồn vốn, tín dụng, cơ hội thị trường. Là mô hình sở hữu kép nên việc vay vốn rất khó khăn. Nhận thức của cán bộ chưa đầy đủ, bị chi phối về mô hình HTX kiểu cũ ….

Đồng Nai cũng được đánh giá là địa phương phát triển mạnh về kinh tế tập thể, đặc biệt là phát huy được vai trò của HTX trong phát triển chuỗi liên kết giữa các HTX nên đã có nhiều HTX kiểu mới ra đời với hình thức hoạt động đa dạng hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu hội nhập. Tuy nhiên, nhìn vào mặt bằng chung, nhiều HTX hoạt động còn kém hiệu quả, trì trệ. Ông Đỗ Phước Dũng – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đồng Nai cho biết: Vấn đề vốn vẫn là “điểm nghẽn”, khó khăn lớn nhất của HTX. Thiếu vốn khiến nhiều HTX không thể mở rộng sản xuất, kinh doanh, thậm chí nhiều HTX còn có khả năng rơi vào nguy cơ phá sản.

Phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 6 của Liên minh HTX Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định: Kinh tế tập thể đã có đóng góp tích cực vào nền kinh tế của đất nước, tuy nhiên khu vực này phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, sự liên kết với nhau còn yếu, công tác quản lý Nhà nước về HTX còn nhiều bất cập…

Để các HTX phát triển, Nhà nước và các cơ quan liên quan cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và pháp luật có liên quan như (đất đai, thuế, tín dụng...), kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững. Cân đối và bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước với kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và điều kiện cụ thể của đất nước. Cùng với đó, cán bộ HTX cần năng động hơn, chủ động hơn để kết nối với thị trường trong nước và quốc tế. Khi có đủ điều kiện về thể chế và con người, các HTX cũng cần phải vươn lên và áp dụng ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Có như vậy, các HTX mới vươn mình lớn mạnh.