"Đổi công" và sẻ chia tình làng nghĩa xóm
Tại những bản làng xa xôi của xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, không còn là hình ảnh của những căn nhà xiêu vẹo, dột nát, thay vào đó là những ngôi nhà mới khang trang, vững chãi dần hiện hữu. Thực hiện chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát, Hoàng Su Phì có cách làm sáng tạo, đó là "đổi công", cùng nhau hỗ trợ xây nhà. Cứ vào những ngày cuối tuần hay khi mùa vụ nông nhàn, bà con trong thôn, bản lại tập trung về hỗ trợ các gia đình khó khăn. Từ việc san nền, vận chuyển vật liệu nặng nhọc cho đến việc xây tường, mỗi người một tay, cùng nhau vun đắp. Những ngôi nhà mới không chỉ là công trình vật chất mà còn là hình ảnh sống động của tình làng nghĩa xóm, của sự sẻ chia và gắn kết bền chặt.

Gia đình chị Bàn Mùi Liều, người Dao đỏ ở thôn Chiến Thắng, xã Hồ Thầu, là một minh chứng rõ nét cho hiệu quả của cách làm này. 6 con người trong căn nhà cũ kỹ, chật chội và đã xuống cấp trầm trọng, chị Liều từng không dám mơ về một mái ấm kiên cố hơn. "Nhà em có 6 người. Nhà thì chật chội và sắp sập. Bây giờ được xây nhà mới, em cảm thấy rất vui khi được Nhà nước hỗ trợ làm được căn nhà mới để gia đình yên tâm hơn," Chị Liều xúc động chia sẻ khi căn nhà mới của gia đình được hoàn thiện với sự hỗ trợ 60 triệu đồng từ Nhà nước và hàng trăm ngày công lao động của bà con trong thôn.
Những tấm lòng tự nguyện và phương pháp "cuốn chiếu" hiệu quả
Bên cạnh việc huy động sức dân, huyện Hoàng Su Phì còn có những cách làm sáng tạo khác trong việc hỗ trợ các gia đình, đặc biệt là những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có khả năng tự vận chuyển vật liệu. Các tổ chức chính trị - xã hội của huyện đã chủ động đứng ra gánh vác trách nhiệm này. Đoàn viên thanh niên, hội phụ nữ, lực lượng vũ trang đã không quản ngại đường sá xa xôi, hiểm trở, dốc sức đưa từng viên gạch, bao xi măng đến tận chân công trình.

Điều đáng trân trọng và cảm động hơn cả là sự tự nguyện của những người tham gia hỗ trợ. Khi giúp đỡ người dân xây dựng nhà, họ tự nguyện chuẩn bị bữa ăn cho mình, người mang cơm, người mang rau, cùng nhau chia sẻ những món ăn đạm bạc ngay tại công trường. Hành động nhỏ bé này xuất phát từ sự đồng cảm sâu sắc với hoàn cảnh của người dân, không muốn tạo thêm bất kỳ gánh nặng nào cho họ. Những bữa cơm tập thể, ấm áp tình người ấy không chỉ tiếp thêm năng lượng mà còn thắt chặt thêm sự gắn bó, sẻ chia giữa cộng đồng trong hành trình xây dựng những ngôi nhà mới. "Đối với các ngành, đoàn thể của xã thì mang cơm đi tự ăn. Còn nhân dân trong thôn thì đổi công, gia đình sẽ nuôi cơm. Mỗi một ngày, đối với các hộ gia đình rải rác ở xã Bản Phùng có 8 thôn, mỗi thôn cũng chỉ có ít hộ thôi thì các hộ sẽ giúp đỡ lẫn nhau. Mỗi gia đình cử một người giúp một hộ gia đình một ngày công," ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Chủ tịch xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì, giải thích về cách thức tổ chức.

Một điểm sáng khác trong công tác triển khai ở Hoàng Su Phì chính là phương pháp làm việc "cuốn chiếu". Các công trình được thực hiện dứt điểm theo từng giai đoạn, đến đâu hoàn thành đến đó, không kéo dài lê thê, không gây ảnh hưởng đến công việc thường ngày của cán bộ và người dân. Nhờ vậy, tiến độ được đảm bảo, chất lượng công trình được kiểm soát chặt chẽ, mang lại hiệu quả rõ rệt.
Bà Lù Thị Lâm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hoàng Su Phì cho biết: "Trước đây tỉnh Hà Giang cũng đã thực hiện chương trình làm nhà cho cựu chiến binh và hộ nghèo có khó khăn về nhà ở. Chúng tôi cũng đã có kinh nghiệm nên khi triển khai chương trình xoá nhà tạm thì chúng tôi lấy đó là một phong trào thành truyền thống, cứ thế phát huy. Phụ nữ trong huyện tích cực tham gia vào các phong trào hỗ trợ giúp đỡ bằng ngày công và giúp đỡ bằng các hiện vật như rau, gạo hoặc giúp đỡ nấu cơm."
Huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) đã trở thành điểm sáng trong phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát, hoàn thành sớm chỉ tiêu đề ra của Thủ tướng Chính phủ. Chia sẻ về những thành quả này, ông Lý Chòi Nhàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết: "Xoá nhà tạm, nhà dột nát của huyện Hoàng Su Phì đến thời điểm hiện tại là chúng tôi cũng đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra từ năm 2024 đến nay là 207 hộ và hiện nay cũng đã được nghiệm thu hoàn thành 100% và đã được đưa vào sử dụng, đảm bảo an sinh xã hội bà con đã có nhà kiên cố để ở."
Với những cách làm sáng tạo và sự chung sức, đồng lòng của cả cộng đồng, Hoàng Su Phì không chỉ đơn thuần là xóa đi những căn nhà tạm bợ mà còn viết nên một câu chuyện đẹp về tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên và khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân vùng cao Hà Giang. Mô hình này thực sự là một "điểm sáng" cần được lan tỏa và nhân rộng trong hành trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương khác trên cả nước./.