Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021, tổ chức sáng nay (11/01) tại Hà Nội.

Với phương châm "Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hiệu quả", ngành Lao động -Thương binh và Xã hội đã không ngừng nỗ lực triển khai đồng bộ, toàn diện các chính sách an sinh xã hội, nhiều lĩnh vực của ngành đều chuyển biến tích cực.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong giai đoạn 2015 - 2020 và đặc biệt năm 2020 với ảnh hưởng to lớn của đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ bất thường, trong khi nhiều nước trong khu vực và thế giới rơi vào suy thoái, Việt Nam tự hào vì đã đạt được "mục tiêu kép" trong phòng, chống dịch và duy trì tăng trưởng kinh tế; lĩnh vực an sinh xã hội được đảm bảo.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, đến nay, gần 100% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; cơ bản không còn hộ người có công trong diện hộ nghèo; 3% dân số Việt Nam và 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ tiêu chuẩn được hưởng trợ cấp thường xuyên; người cao tuổi, người khuyết tật được quan tâm, trợ giúp theo quy định.

Các quyền cơ bản của trẻ em được bảo đảm. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam trong nhóm phát triển cao, đứng thứ 110 trong 189 quốc gia. Chỉ số nguồn nhân lực Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á.

Trong nhiệm kỳ, Việt Nam là 1/30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, với kết quả giảm nghèo đa chiều bình quân 5 năm qua là 1,35%/năm, từ 9,88% năm 2015 giảm xuống còn 2,75% năm 2020, về đích trước 10 năm so với Mục tiêu thiêu niên kỷ.

5 năm qua, cả nước tạo việc làm mới cho hơn 8 triệu lao động; hơn 635 ngàn người đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng – vượt tới 27% chỉ tiêu (riêng năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đến 31/12 vừa qua có khoảng 79 ngàn người đi lao động ở nước ngoài); chuyển dịch lao động khu vực nông lâm ngư nghiệp giảm từ 45% năm 2015 xuống còn 32% năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp chung là 2,48%, ở khu vực thành thị xuống dưới 4%, là 1 trong 10 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới.

Xét về tổng quan trong khối ASEAN và thế giới, Việt Nam được đánh giá là làm tốt hơn về chi tiêu cho an sinh xã hội, mức đầu tư chiếm 21% tổng chi ngân sách, cao nhất trong khối ASEAN. Đặc biệt, năm 2020 chúng ta đã hoàn thành tốt vai trò chủ tịch ASEAN.

"Có thể nói, trong 5 năm qua, toàn ngành kiên trì thực hiện các mục tiêu, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, đồng thời tạo ra những đột phá, tạo dấu ấn nổi bật…", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn nhiều thách thúc rất cần những giải pháp quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới. Đó là độ bao phủ an sinh xã hội còn thấp, nhất là bao phủ bảo hiểm xã hội đối với người già, người lao động khu vực nông nghiệp, phi chính thức. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao (chiếm 55%). Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, tỷ lệ lao động nông nghiệp vẫn ở mức 32%. Tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em, phụ nữ diễn biến phức tạp, một số tệ nạn xã hội gây bức xúc xã hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2021 sẽ là năm đầu tiên thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; Kế hoạch 5 năm 2021-2026 của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội… Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động trên nhiều phương diện cùng với những nỗ lực phục hồi nền kinh tế toàn cầu sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành Lao động - thương binh và xã hội sẽ tiếp tục chú trọng phát triển thị trường lao động với chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng phát triển nhanh, bền vững và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân, đáp ứng nhu cầu về cơ bản và cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân; góp phần đảm bảo công bằng xã hội và không để ai bị bỏ lại phía sau.