Văn hóa ứng xử, lối sống của giới trẻ lâu nay luôn nhận được sự quan tâm của xã hội. Bởi dẫu được tăng cường truyền thông, giáo dục nhưng đâu đó vẫn xảy ra những câu chuyện về lối sống lệch chuẩn của giới trẻ.

Những năm gần đây, trên cả nước diễn ra không ít vụ học sinh đánh nhau ở cả trong và ngoài trường học chỉ vì những lý do rất trẻ con như “nhìn đểu”, không cho chép bài, nói xấu, ghen tuông hoặc đơn giản là đánh cho bõ ghét... Điển hình như vụ việc nam sinh lớp 7 Trường THCS Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội bị bạn đánh hội đồng đến rối loạn tâm thần xảy ra tháng 11 vừa qua khiến dư luận phẫn nộ. Hay cách đây vài hôm, một học sinh tại trường THCS Vũng Tàu, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cầm kéo đuổi theo, đâm bạn học nhập viện.

Hiện tượng học trò vô lễ, không tôn trọng thầy cô, gọi thầy cô bằng những từ ngữ vô văn hóa, cãi lại khi bị thầy cô nhắc nhở, xé bài kiểm tra trước mặt thầy cô... diễn ra khá phổ biến, trở thành những tiêu cực trong môi trường học đường. Đơn cử như sự việc 8 học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa nhắn tin trên facebook xúc phạm đến danh dự, uy tín của thầy, cô giáo và nhà trường.

Mới đây, mạng xã hội xuất hiện đoạn video ghi lại hình ảnh một nữ giáo viên bị nhiều học sinh bao vây, tấn công, kèm theo đó là những tiếng chửi bới. Các học sinh còn ngang nhiên ném giấy lên mặt và nhét rác vào cặp của cô giáo. Đỉnh điểm, một chiếc dép ném trúng trán khiến cô choáng váng vài giây rồi lăn ra ngất xỉu. Sự việc xảy ra khiến dư luận xã hội bất bình và lo lắng về ý thức, thái độ thiếu tôn trọng thầy, cô giáo của một bộ phận học trò hiện nay.

Cách đây không lâu, người dùng mạng xã hội không khỏi xôn xao vì sự xuất hiện của một group với cái tên: "Hội những người ghét cha mẹ". Đây là nơi tụ họp của hơn 7000 thành viên, hầu hết đều ở lứa tuổi học sinh. Các bài đăng trong nhóm đều chứa đựng những nội dung tiêu cực, từ ngữ dung tục, hỗn hào, thậm chí nguyền rủa cha mẹ mình khiến bất cứ ai cũng cảm thấy đau lòng.

Biết rằng, không đánh đồng tất cả các bạn trẻ đều có lối sống, văn hóa ứng xử kém văn hóa, văn minh, thế nhưng, phải thừa nhận rằng, đây đang là một thực trạng rất đáng báo động, là hồi chuông cảnh báo, nhất là gần đây, nó còn lan rộng đến cả bậc tiểu học, một lứa tuổi rất nhỏ.

PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, một trong những nguyên nhân là do việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ chưa thực sự hiệu quả. Hình thức giáo dục sơ sài, chưa có sức hấp dẫn, còn mang tính lý thuyết. Bên cạnh đó là sự nổ rộ của các trang mạng xã hội. Cùng với những tiện ích mà mạng xã hội đem lại, đây cũng là nơi các thông tin xấu, độc hại với mức độ ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng tác động lớn đến suy nghĩ, hành vi và lối sống của giới trẻ.

Không chỉ có vậy, thời gian gần đây, có không ít những giáo viên có những cư xử thiếu tế nhị, thậm chí là suồng sã trong cách nói năng, hành xử với học sinh. Và cũng có không ít phụ huynh lại “cậy quyền”, “cậy tiền” có những hành động thiếu nhân văn, xem thường thầy, cô giáo, như trường hợp nhóm phụ huynh học sinh của Trường Tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An bắt một cô giáo của trường này quỳ xuống xin lỗi họ. Hay trường hợp phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Yên Tĩnh 2, tỉnh Nghệ An đã “trả đũa” một thầy giáo bằng hành động đánh thầy phải nhập viện. Những hành động này không chỉ ảnh hưởng tới danh dự của thầy, cô giáo, của truyền thống “tôn sư trọng đạo” mà còn có ảnh hưởng không nhỏ tới nhận thức và hành vi của thế hệ trẻ.

Thực tế cho thấy, những hành vi thiếu chuẩn mực của giới trẻ lâu nay không chỉ khiến mọi người xung quanh có cái nhìn không thiện cảm, gây bức xúc bất bình mà còn dẫn đến rất nhiều hậu quả khó lường. Chính vì vậy, theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, cần nêu cao trách nhiệm của giáo dục gia đình cũng như sự gương mẫu của người lớn, mà ở đây bao gồm cả cha mẹ, thầy cô giáo và toàn xã hội.

Văn hóa ứng xử không thể đem ra cân, đong, đo, đếm và cũng không tỷ lệ thuận với trình độ học vấn, mà do trình độ nhận thức và sự quan tâm hướng dẫn, giáo dục của gia đình và nhà trường. Do đó, để xây dựng lối sống, ứng xử văn hóa trở thành một thói quen tốt, thiết nghĩ các bạn trẻ nói riêng và mọi người nói chung cần phải tự nâng cao hơn nữa ý thức bản thân, sống có văn hóa, biết tôn trọng bản thân mình và những người xung quanh.

Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 và PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội: