Hơn chục năm trước, trong một lần khám sức khỏe, bà Phạm Thị Hiền Mai (phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Hà Nội) phát hiện mình bị ung thư giai đoạn 3. Cầm tờ kết quả xét nghiệm của bệnh viện, bà vô cùng bất ngờ và suy sụp. Bản thân bệnh tật, chồng tai biến, cháu ruột bại não hơn 20 năm chỉ nằm một chỗ, nhưng vượt qua nỗi đau đớn của bản thân, bà lại tự nhủ với lòng phải kiên cường, chiến đấu với bệnh tật, sống thật ý nghĩa để giúp đời, giúp người. “Tôi đã buồn và khóc rất nhiều, nhưng nghĩ đến gia đình, mẹ già đau ốm, cháu ruột bị bại não, tôi gạt nước mắt và thay đổi suy nghĩ. Tôi quyết định quay lại với các hoạt động xã hội cho quên đi nỗi đau của riêng mình. Và chính những công việc đó là "liều thuốc tinh thần giúp tôi quên đi bệnh tật”, bà Mai chia sẻ. Không cho phép mình ngục ngã trước nghịch cảnh, bà Mai quyết định quay lại với các hoạt động xã hội, tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện như: tặng quà nạn nhân chất độc da cam, gia đình chính sách, người khuyết tật. Hơn 20 năm làm công việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” chưa ngày nào bà Mai thiếu niềm tin và tình yêu với cuộc sống. Bà cũng chưa từng nghĩ công việc của mình là trách nhiệm, là nghĩa vụ mà trái lại bà coi đó là niềm vui.
Ngôi nhà của bà Mai tuy có diện tích chỉ khoảng hơn 30m vuông nhưng bà vẫn dành riêng một phòng để quần áo, khăn, mũ len, và chăn bông để dành tặng người dân nghèo vùng cao. Bà quan niệm: “của cho đã quý, cách cho lại càng quý hơn”. Vì vậy, mỗi khi mọi người gửi quần áo tới ủng hộ bà lại giặt giũ sạch sẽ, sắp xếp, phân loại đóng gói vào từng túi nilon. Bên cạnh đó, bà còn tỉ mỉ đan móc từng chiếc khăn, mũ để ủng hộ cho bà con. “Công việc của tôi là thường xuyên đi quyên góp quần áo và đan khăn, thường thì mình cứ đăng trên zalo và facebook là cần quần áo, các bạn bè có thì sẽ điện, rồi mình lại nhờ chồng đến trở về. Tôi có câu thơ là “Tối ngồi đán áo khăn khăn/Ngày đi quyên góp màn chăn áo quần/Chồng làm cửu vạn vác khuân/Giặt khô đóng gói đâu cần có ngay”, bà Mai tâm sự. Chính sự cẩn thận, chu đáo ấy mà những món quà do bà Mai gửi tặng luôn khiến cho người nhận cảm thấy ấm lòng.
Hơn 10 năm mang trong mình căn bệnh ung thư cũng là từng ấy năm bà Mai vượt qua nghịch cảnh, đem sức lực và tâm huyết của mình để chia sẻ với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Em Nguyễn Đàm Minh Hiền, năm nay 14 tuổi. Do sinh thiếu tháng nên thị lực của em yếu rồi dần dần mất hẳn. Dù mất đi ánh sáng nhưng bù lại em lại có năng khiếu âm nhạc. Nhà neo người, kinh tế không dư dả nên mẹ trở thành trụ cột và là chỗ dựa tinh thần cho chị em Hiền. Tự nhận thức được những khó khăn của gia đình và khiếm khuyết của bản thân nên thay vì mặc cảm em càng lấy đó làm động lực để phấn đấu vươn lên. Hiền cho biết từ nhỏ em đã rất yêu âm nhạc, em thường xuyên nghe nhạc, tập hát và đánh đàn. Để học được một bài nhạc với em rất khó khăn phải chuyền từ chứ thường sang chữ nổi rồi ngược lại. Dù khó khăn nhưng em không bỏ cuộc, kiên trì từng chút từng chút. Cách đây không lâu em đã đạt giải trong cuộc thi Idol kids.
Để có được thành công như ngày hôm nay, ngoài tình yêu thương, sự ủng hộ của gia đình, Minh Hiền còn nhận được sự động viên giúp đỡ rất nhiều của bà Phạm Hiền Mai. Biết em có niềm đam mê mãnh liệt với âm nhạc, bà Mai chạy đôn chạy đáo kết nối em với những người bạn giúp em có cơ hội được biểu diễn tại những sân khấu ca nhạc. Hơn thế, bà Mai còn luôn hỗ trợ em về vật chất lẫn tinh thần. Nhắc đến sự giúp đỡ của bà, chị Phương – mẹ của Minh Hiền không khỏi xúc động. “Ở đây mọi người rất tốt, đặc biệt là chị Hiền Mai. Từ lúc cháu hơn 1 tuổi là bác đã để ý, giới thiệu, hỗ trợ với các đoàn thể, chị cũng tư vấn và hỗ trợ Minh Hiền rất nhiều, hai bác cháu đã đồng hành với nhau hơn chục năm cũng rất cảm động”.
Em Đinh Hoàng Phong cũng có hoàn cảnh rất đáng thương. Em bị tăng động, tự kỷ. Bố mẹ bỏ đi. Hiện giờ em sống cùng ông bà ngoại. Mới đây bà ngoại lại đi viện nên nhà chỉ còn hai ông cháu nương tựa vào nhau. Cảm thông trước hoàn cảnh của hai ông cháu, bà Mai thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và tặng quà giúp hai ông cháu phần nào vợi bớt nỗi cô đơn. Ông Đỗ Như Bình, ông ngoại bé Phong cho biết, dù bận rất nhiều công việc của tổ dân phố và của phường nhưng bà Mai thường xuyên dành thời gian thăm hỏi, tặng quà bé Phong. Món quà tuy không lớn nhưng cũng khiến gia đình cảm kích trước tấm lòng của bà Mai.
Trên trang facebook của mình, bà Phạm Thị Hiền Mai từng viết: “Mỗi người chúng ta ai sinh ra cũng mong muốn xinh đẹp, khỏe mạnh, nhưng thực tế lại có nhiều số phận không may mắn. Tôi cũng nằm trong số đó. Thế nhưng cuộc sống và những người bạn đã giúp tôi nhìn lại bản thân, giúp tôi lạc quan, vui sống và hòa nhập với mọi người, vui cùng công việc. Số phận không may mắn nhưng nếu biết suy nghĩ và vươn lên thì điều đó thật ý nghĩa. Từ những suy nghĩ tích cực, tôi đã biết được nhiều việc, tạo niềm tin yêu cuộc sống. Mong rằng những ai đó cùng thân phận như tôi, xin đừng bi quan, hãy phấn đấu, cố gắng vượt lên số phận, giúp ích cho bản thân và cho đời".
Nghịch cảnh là điều không ai mong muốn nhưng khi ở trong hoàn cảnh đó mà vẫn lạc quan, mạnh mẽ vượt lên số phận để lan tỏa yêu thương tới cộng đồng như bà Phạm Thị Hiền Mai thì không nhiều người làm được./.
Mời nghe chương trình tại đây: