Triển khai Chương trình giai đoạn mới còn chậm

Qua 10 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, rộng khắp trong cả nước với sự hưởng ứng tham gia tích cực, nhiệt tình của nhân dân với nhiều mô hình mới, cách làm hay. Tính đến hết năm 2020, cả nước có hơn 5 triệu xã đạt chuẩn nông thôn mới (hơn 60%), hoàn thành vượt mức 12,4% so với chỉ tiêu đã đề ra; hoàn thành mục tiêu về xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết 142/2016/QH13 ngày 12/4/2016 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 trước 2 năm; đã có 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên, khu vực nông thôn còn đứng trước nhiều thách thức đòi hỏi tiếp tục có sự quan tâm đầu tư, vừa duy trì, phát huy các thành quả đã đạt được, vừa hỗ trợ các xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới.

Chương trình nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đã hết hiệu lực từ tháng 12/2020, cho đến tháng 7/2021, Chính phủ mới trình Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 để Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư, sau đó Chính phủ tiếp thu, chỉnh sửa, ban hành, có thể nói sự khởi đầu tương đối chậm.

Đại biểu Nguyễn Việt Thắng, đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang nêu thực tế ‘‘Sau khi Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ chỉnh sửa để ban hành các bộ tiêu chí, nguyên tắc về tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương, rồi tỷ lệ vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện chương trình. Giai đoạn trước (2016-2020) tháng 11/2015, Quốc hội đã thông qua phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng đến tháng 4/2017, Thủ tướng mới ban hành tiêu chí, nguyên tắc, định mức phân bổ. Để giúp các địa phương có cơ sở thực hiện, cũng mong Chính phủ sớm ra các bộ tiêu chí“. Nếu như Chính phủ và các Bộ, ngành không khẩn trương triển khai các hướng dẫn ngay sau khi Quốc hội thông qua thì việc thực hiện triển khai Chương trình MTQG gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 chắc chắn sẽ bị chậm và như vậy khi triển khai trên thực tế sẽ giảm đi ý nghĩa và kém hiệu quả.

Xây dựng nông thôn mới là phải nâng đời sống nông dân khá lên

Sau 10 năm triển khai, đến hết năm 2020, Chương trình MTQG xây dựng NTM đã có 194 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; có 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó có 04 tỉnh đã được công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 41,7 triệu đồng/người/năm, gấp 1,7 lần so với năm 2015 và gấp 3,25 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2020 còn khoảng 7,1%, giảm 4,7% so với năm 2016…

Với nguyên tắc “Nông thôn mới là nền tảng, cơ cấu lại nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể”, ngoài việc cơ bản tiếp tục các nhóm nhiệm vụ của giai đoạn trước, Chương trình giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025: “Phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn NTM, trong đó, có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao và huyện NTM kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM; Cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Phấn đấu có ít nhất 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí NTM do cấp tỉnh quy định”. (theo Tờ trình số 253/Tr-CP ngày 20/7/2021 của Chính phủ)

Điều dễ nhận thấy là mục tiêu lần này chỉ đặt ra số lượng các thôn, xã, huyện, tỉnh đạt nông thôn mới theo chuẩn nâng cao hay kiểu mẫu, nhưng lại không đề cập đến các mục tiêu như thu nhập của nông dân tăng bao nhiêu? Chất lượng thụ hưởng văn hóa của nông dân là như thế nào? Mức độ đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn ra sao? Việc thu hút nguồn vốn từ nguồn xã hội hóa vào nông thôn mới như thế nào? Bao nhiêu nhân lực vùng nông thôn được tuyển dụng?

Các giai đoạn trước, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện xây dựng NTM vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn về kết quả xây dựng NTM giữa các địa phương, giữa các vùng, miền; tư duy ngành nông nghiệp và người dân còn chú trọng tăng quy mô, sản lượng trong sản xuất mà chưa quan tâm nhiều đến nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến tiêu chí môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn an ninh trật tự xã hội nông thôn… Vì thế nếu mục tiêu của Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 không bổ sung thêm thì chất lượng đời sống nông dân vẫn chưa có sự thay đổi nổi bật.

Nâng cao thu nhập cho nông dân là một mục tiêu rất quan trọng, đảm bảo tính bền vững cho chương trình xây dựng NTM ở các địa phương. Đại biểu Lê Đào An Xuân, đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho rằng: “Làm thế nào để người nông dân sống được với môi trường nông nghiệp của mình, làm thế nào để phát triển thêm cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho nông dân là một tiêu chí rất khó. Tỉnh Phú Yên cũng hết sức quan tâm tới nội dung này và coi là yếu tố đảm bảo bền vững cho công cuộc XDNTM".

Nhiều nơi, nông dân vẫn còn suy nghĩ xây dựng nông thôn mới là việc làm của Nhà nước, không phải của mình, nên khi phát động phong trào liên quan đến xây dựng nông thôn mới là chỉ có... cán bộ xã tham gia. Thậm chí những công trình liên quan đến môi trường như xử lý rác thải, xây nhà vệ sinh, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và điều kiện sống của nông dân, nhưng nếu chính quyền không đầu tư, không tuyên truyền thì nông dân vẫn ỷ lại, không chịu thay đổi. Vì vậy theo đại biểu Trần Thị Thanh Lam, đoàn Bến Tre: “Mục tiêu chương trình xây dựng NTM cần đi vào những chỉ tiêu thiết thực, quy định cụ thể về chất lượng công tác bảo vệ môi trường, chất lượng hoạt động văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; thúc đẩy bình đẳng giới; cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân nông thôn…để nông dân cùng tham gia".

Hiện nay, Chính phủ đang triển khai một số chương trình mục tiêu quốc gia khác chẳng hạn như xóa đói giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vùng dân tộc thiểu số. Vì vậy, nhiều đại biểu cho rằng, để tránh trùng lặp, tránh bỏ sót về phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động giữa các chương trình, đồng thời đảm bảo phát huy hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, nên chăng thành lập một Ban chỉ đạo điều hành cho cả 3 chương trình.