Tại thôn Nà Lầu, xã Ngam La (huyện Yên Minh), không khí lao động rộn ràng khi người dân và lực lượng đoàn viên thanh niên cùng chung tay hoàn thiện ngôi nhà mới cho ông Sùng Mí Xá, một hộ nghèo trong thôn. Ngôi nhà gỗ ọp ẹp từng là nơi trú ngụ của ông Xá được dựng cheo leo giữa sườn núi, nơi thường xuyên bị sạt lở mỗi khi mùa mưa đến. Để đảm bảo an toàn, ông đã xin đất của em trai để xây nhà mới, dù vị trí này cách đường to hơn một cây số nên chỉ có thể vận chuyển vật liệu bằng xe máy theo lối mòn.

“Nhà mới làm hết gần 120 triệu, nhà nước hỗ trợ 60 triệu, còn lại mình vay ở chỗ cung ứng vật tư. Có 2 đứa con đi làm công nhân ở Bắc Ninh rồi, đợi cuối năm, con nó đem tiền về trả nợ thôi,” ông Xá chia sẻ.

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở xã Ngam La được triển khai đồng bộ, với sự vào cuộc của chính quyền xã, ban ngành đoàn thể và người dân. Ban chỉ đạo xã đã rà soát cụ thể từng hộ, phân loại mức độ khó khăn để có phương án hỗ trợ phù hợp. Đối với những khu vực thiếu mặt bằng, khó vận chuyển hoặc thiếu nhân lực, xã huy động cán bộ, công chức, lực lượng công an, quân sự và đoàn viên thanh niên tham gia hỗ trợ ngày công.

Tính đến hết tháng 3/2025, Ngam La đã hoàn thành 20, trong tổng số 24 ngôi nhà theo kế hoạch và đặt mục tiêu hoàn tất toàn bộ trong tháng 4 này. Những vướng mắc liên quan đến thủ tục đất đai cũng được xử lý linh hoạt. “Hiện trên địa bàn xã không còn vướng mắc về đất ở cho các hộ xây dựng nhà mới. Các hộ tự chuyển đổi đất vườn, hoặc trao đổi với người thân để có mặt bằng phù hợp hơn, đảm bảo an toàn và đủ diện tích,” ông Tẩn A Thao, Phó Chủ tịch UBND xã Ngam La cho biết.

Nếu như xã Ngam La gặp khó khăn về giao thông, thì tại xã Sủng Máng (huyện Mèo Vạc), thách thức lớn nhất lại nằm ở việc thiếu mặt bằng xây dựng. Gia đình ông Phàn Dùn Nhàn là một trong 7 hộ được phê duyệt xóa nhà dột nát của xã. Để có thể xây nhà mới, ông phải dựng cột, đổ sàn bê tông giữa vùng núi đá để tạo mặt bằng, khiến tổng kinh phí xây nhà lên tới hơn 200 triệu đồng. Dù khó khăn, ông vẫn quyết tâm xây nhà mới để gia đình có nơi ở an toàn hơn.

“Nhà mới này đẹp hơn, chắc hơn. Cái này là vay anh em, khi nào họ làm nhà thì mình trả. Ví dụ năm nay mình vay trước mấy chục triệu, năm sau anh em làm thì mình đi làm thuê trả lại,” ông Nhàn nói.

Theo ông Vừ Mí Phình, Chủ tịch UBND xã Sủng Máng, đến nay đã có 5/7 hộ được vào ở nhà mới, 2 hộ còn lại dự kiến hoàn thành trong tháng tới. Nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu do thiếu vật liệu xây dựng và thời tiết không thuận lợi. “Trên địa bàn huyện chỉ có một bãi đá được cấp phép, trong khi nhu cầu xây dựng tăng cao, nên cung không đủ cầu. Ngoài ra, địa bàn toàn núi đá, thiếu nước sinh hoạt và nước xây dựng cũng là khó khăn lớn,” ông Phình chia sẻ.

Bên cạnh những hộ đã được phê duyệt hỗ trợ, xã Sủng Máng cũng ghi nhận thêm 9 hộ khó khăn về nhà ở nhưng không đủ khả năng đối ứng tài chính, nên chưa đăng ký làm nhà. Chính quyền xã đang tích cực kết nối với các tổ chức từ thiện để vận động hỗ trợ thêm từ 20-30 triệu đồng mỗi hộ, đảm bảo mức kinh phí tối thiểu để có thể xây nhà cấp 4 kiên cố.

Dù còn nhiều thách thức, nhưng từ những mái nhà cấp 4 lợp tôn giữa cao nguyên đá, có thể thấy rõ quyết tâm của cả hệ thống chính trị ở Hà Giang trong hành trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Không chỉ là nơi trú mưa, tránh nắng, mỗi ngôi nhà mới còn là khởi đầu cho một cuộc sống an toàn, bền vững hơn cho đồng bào vùng cao, góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Đảng, Chính phủ là “không ai bị bỏ lại phía sau”./.