Nguyên nhân do đâu?

Trước thực tế này, bà Nguyễn Thu Hà, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng không thể lý giải nổi vì sao trong thời đại công nghệ phát triển, có thể kết nối mọi lúc mọi nơi vẫn tồn tại một khoảng cách rất lớn giữa cha mẹ và con cái như vậy. Bà cho rằng: Những người ở thành phố từ quê lên, họ học tập, ở lại lập nghiệp, ở thành phố thì thường đi học và đi làm về rất là muộn, khi mà ăn uống vệ sinh cá nhân xong thì đã quá muộn rồi, lúc ấy thì bố mẹ họ ở quê đã đi ngủ từ lâu, họ không còn gọi điện được nữa. Cái việc đó có thể làm lệch đi đồng hồ sinh học giữa các thế hệ trong nhà. Và một cách rất là tự nhiên, dù là điều kiện liên lạc có thừa nhưng có khi cả tháng bố mẹ và con cái không nói chuyện với nhau”.

Theo bà, bên cạnh áp lực cuộc sống, “lo toan cơm áo gạo tiền” thì việc dành thời gian quan tâm cho gia đình là một trong những yếu tố quan trọng trong gắn kết tình thân. Bà khẳng định gia đình, những người thân yêu phải luôn là ưu tiên số một: Chúng tôi cũng phân công nhau làm việc nhà, chúng tôi có bữa ăn tối ở nhà để chắc chắn mỗi một ngày sẽ có lúc ngồi lại với nhau, với bố mẹ ở xa thì chúng tôi định kỳ về thăm, phân công nhau gọi điện về hỏi thăm ông bà. Văn hoá trong gia đình tôi là người thân thì không bao giờ sợ làm phiền nhau. Chúng tôi luôn luôn ưu tiên trước hết là cho người thân, bất kể là gì thì một khi người thân cần đến mình thì phải sắp xếp dành cho họ. Không gì có thể cản được điều đó”.

Bạn Đặng Ngọc Thơ (21 tuổi, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đồng ý với quan điểm, gia đình, tình thân luôn có vị trí quan trọng với mỗi người. Nếu một ai đó thiếu thốn tình cảm gia đình thì những lúc sa cơ lỡ bước hay gặp phải trở ngại sẽ không có chỗ dựa, trong một số trường hợp có thể sẽ làm chuyện dại dột, hoặc mất mạng như cô gái tử vong trên sofa. Tuy nhiên Thơ cũng cho rằng, bố mẹ nên quan tâm con cái theo từng thời điểm và chia theo giai đoạn. Khi còn bé thơ, còn đi học thì sự quan tâm theo sát của gia đình là đặc biệt quan trọng, nhưng khi bước vào tuổi trưởng thành, cha mẹ quan tâm, bao bọc nhiều quá sẽ khiến con cái cảm thấy mất tự do, thiếu đi sự tự lập. Bản thân Thơ nhiều lúc cũng cảm thấy không thoải mái trước sự chăm lo hơi quá của bố mẹ. Đôi lúc tôi thấy khó chịu với sự quan tâm thái quá của bố mẹ, cấm về những mối quan hệ xung quanh, hay ví dụ như là cấm đi chơi tối, tôi thấy nó kiểu bị vô lý ấy. Thực ra những lúc như thế thì chỉ mong bố mẹ thoải mái, tính thoáng lên một tí, hiểu hơn một chút về những xu hướng tích cực phù hợp với từng độ tuổi. Từ đó có thể dễ dàng chia sẻ với con cái nhiều hơn”.

Gắn kết tình cảm gia đình: Tưởng khó nhưng có thể làm được

Theo thạc sĩ Lê Thế Hanh - Chuyên gia tham vấn tâm lý về lĩnh vực hàn gắn các mối quan hệ gia đình, chia sẻ, sự lỏng lẻo giữa các cá nhân trong một gia đình xuất phát từ sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ. Nhiều người chỉ ở trong nhà, không kết nối với những người khác, từ đó thiếu đi các kỹ năng tương tác, giao tiếp cũng như xử lý tình huống trong các mối quan hệ. Ngoài ra, khi kinh tế ngày càng phát triển, các thành viên trong gia đình sẽ có xu hướng sống độc lập và tự chủ nhiều hơn, dần tách mình ra khỏi gia đình. Nếu như bố mẹ cũng có xu hướng lỏng lẻo thì càng “tạo điều kiện” cho con cái xây dựng cái tôi cao hơn, từ đó có suy nghĩ rằng mình không cần phải kết nối với ai cả.

Ngoài ra, thạc sĩ Lê Thế Hanh cũng cho rằng, nếu muốn sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình thêm bền chặt thì các bậc phụ huynh cần phải kết nối với những người thân, bạn bè xóm giềng, để từ đó con cái sẽ học theo và trở nên cởi mở hơn. Bố mẹ linh hoạt trong việc tương tác và kết nối với con, thông thường để một gia đình lành mạnh và khỏe mạnh thì đó là bố mẹ sẽ linh hoạt cả hai hình thức. Vừa đưa ra các quy tắc, vừa đưa ra cho con sự tự do"- Thạc sỹ Lê Thế Hanh nói.

Đề cập vấn đề này, bà Thu Hà cũng nêu một số cách mà bà đang cố gắng để giữ gìn sợi dây kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Hãy cố gắng làm sao để thời gian cho gia đình trở nên chất lượng hơn, hãy cố gắng làm sao mà quan tâm thật sự đến điều mà người thân của mình đang làm, đang lo lắng, đang mong muốn, và hãy tạo ra những khoảng thời gian trò chuyện cùng, chơi cùng, thư giãn cùng, mua sắm với nhau”- bà Thu Hà gợi ý.

Dù bận rộn đến đâu thì chúng ta cũng hãy hướng về phía người thân của mình, luôn tìm cách để ở bên cạnh, bồi đắp và vun vén tình cảm cho tổ ấm. Bởi gia đình là nơi tiếp cho ta sức mạnh và niềm tin để vững bước trên đường đời, là chỗ dựa vững chắc để ta có thể dựa vào khi yếu đuối, và là nơi luôn chào đón mỗi lần ta quay về. Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó mới là hạnh phúc.

Nghe bài viết tại đây: