Thay đổi là cần nhưng đừng để học sinh trở tay không kịp.

Dự thảo sửa đổi quy chế tuyển sinh đại học cũng yêu cầu các trường không được gọi vượt số này. Trong khi những năm trước, hầu hết đại học dành 30-80% chỉ tiêu để xét tuyển sớm bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, kết quả đánh giá năng lực hoặc kết hợp với học bạ. Thông tin dự thảo thay đổi tuyển sinh đưa ra khi mùa tuyển sinh chỉ còn được tính bằng tháng khiến những học sinh như Hoàng Trần Phương Linh, học 12D7, THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội rơi vào tình trạng “bối rối”.

“Con đã thi IELTS từ cuối tháng 8 và được 7.0, hiện con đang mong vào Học viện Ngoại giao. Nghe thông tin xong con khá sốc vì năm ngoái chỉ tiêu lấy rất cao, năm nay còn 20% thì học sinh trường top của Hà Nội thì cũng không thể cạnh tranh”, Phương Linh chia sẻ.

Từ đầu năm học, Linh thấy nhiều trường đại học khẳng định sẽ giảm chỉ tiêu tuyển sinh bằng điểm tốt nghiệp. Việc đầu tư cho các phương thức tuyển sinh khác đã được nhiều học sinh 2K7 như Linh chuẩn bị từ lâu.

“Con học 3 năm để thi IELTS, cố gắng học bạ để lớp 12 hi vọng xét tuyển sớm cho an toàn thì đến giờ hâu như không còn hi vọng nữa, mình phải đổi phương án, tiếp tục ôn thi nhằm đạt điểm thật cao kì thi tốt nghiệp THPT. Thông tin quá gấp, lẽ ra nên được nói vào cuối lớp 11 thì các bạn học sinh sẽ có tinh thần chuẩn bị”.

Phải tiếp tục “quay xe”, chuyển hướng khiến nhiều bạn học sinh lớp 12 rơi vào trạng thái hoang mang. Trước đó, thấy tình trạng bão hòa của IELTS, nhiều học sinh đã cùng lúc ôn luyện chứng chỉ ngoại ngữ này, đồng thời luyện cả SAT, luyện đánh giá năng lực với quyết tâm “bao hết các sân” để vào được đúng trường đại học mong ước. Nhưng đến phút chót lại dồn cả sang điểm thi tốt nghiệp THPT. Như trường hợp Lê Gia Bảo, lớp 12A1 trường THPT Nguyễn Trãi, Ba Đình đang trong những ngày ôn thi đánh giá năng lực của đại học Quốc gia, Hà Nội và đánh giá tư duy của đại học Bách Khoa, Hà Nội:

"Lớp con các bạn đã chuẩn bị cùng lúc nhiều phương án và cả lớp đều ôn thi đánh giá năng lực”, Bảo chia sẻ.

Thí sinh và gia đình các em từ nhiều năm qua liên tục chạy theo các phương án khác nhau một cách bị động và tốn kém chính vì những phương án thi, xét tuyển đại học không có tính ổn định lâu dài.

Học sinh lớp 12 cần bình tĩnh chờ thông tin và duy trì việc học tập

Từ quan sát và dạy học, luyện thi cho học sinh, cô Trần Giang, một giáo viên ở Hà Nội cho rằng các phương thức xét tuyển trong những năm trở lại đây đang bộc lộ những hạn chế, đặc biệt mất đi sự tập trung học tập của học sinh. Cá nhân cô Giang cũng đã dự đoán Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những hình thức “chấn chỉnh” và “siết lại” tuyển sinh, cân bằng giữa các phương thức để việc dạy và học không quá xáo trộn ở năm lớp 12 như những năm qua. Điều này trong những giờ học, cô Trần Giang đều chia sẻ, phân tích với học sinh. Tuy nhiên, việc nghe và thực hiện học đều đến đâu chỉ học sinh và gia đình các em mới biết.

TS Trần Thị Phương Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng đang có những điểm hiểu chưa đúng về dự thảo sửa đổi quy chế tuyển sinh đại học.

“Tôi đã đọc kĩ và thấy thông tư này không sửa đổi quá nhiều. Chi tiết Bộ Giáo dục sẽ khống chế chỉ tiêu không quá 20% xét tuyển sớm, ở đây không có nghĩa 80% còn lại dồn vào điểm kì thi tốt nghiệp THPT. Các phương thức xét tuyển khác vẫn có thể sử dụng. Trong dự thảo thông tư có nhắc tới việc một ngành đào tạo vẫn có thể tuyển sinh bằng nhiều phương thức khác nhau. Việc siết tuyển sinh sớm nhằm đảm bảo công bằng cho tất cả các thí sinh”, bà Phương Nam phân tích.

Con số 20% tuyển sinh sớm đảm bảo việc chọn được đúng những em xuất sắc và xứng đáng trúng tuyển sớm. Các học sinh khác vẫn có cơ hội sử dụng các phương thức tuyển sinh khác bên cạnh điểm thi tốt nghiệp THPT mà vẫn không lơ là việc học tập như tình trạng xảy ra những năm gần đây, khi việc xét tuyển sớm diễn ra ồ ạt. Bà Phương Nam khẳng định thay vì lo lắng nên bình tĩnh để tập trung chuẩn bị cho các kì thi, hoàn thiện các phương thức xét tuyển, sẵn sàng cho những lựa chọn phù hợp.

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung: