Cũng theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, đến nay có 23 địa phương tổ chức dạy học trực tiếp; 15 tỉnh, thành phố kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và dạy qua truyền hình.

Trong số 25 tỉnh/thành phố vẫn tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình chủ yếu là các tỉnh, thành phía Nam: TP. Hồ Chí Minh, Anh Giang, Bạc Liêu, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Cần Thơ, Tiền Giang, Trà Vinh...

Ở phía Bắc, ngoài TP. Hà Nội còn có tỉnh Hưng Yên đến nay vẫn tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình.

Trong thời gian ngắn vừa qua, dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp khi phát hiện hàng trăm học sinh ở Phú Thọ, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hà Nam nhiễm virus SARS-CoV-2. Ngay lập tức các địa phương này đã cho học sinh một số xã, huyện chuyển từ hình thức học trực tiếp sang học trực tuyến.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.

Cụ thể, đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình): tổ chức dạy học trực tiếp; đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao): tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình; đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao): căn cứ vào thực tế tình hình và tiến độ triển khai kế hoạch năm học tại địa phương để tổ chức dạy học trực tuyến, học trên truyền hình hoặc giao bài tự học...

“Khi học sinh đến trường trở lại có thể không thể đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh 100% nhưng phải thực hiện tất cả các quy định phòng chống dịch để đảm bảo phần đông các em không phải ở nhà học trực tuyến quá lâu ảnh hưởng rất nhiều thứ. Trong đó không chỉ về mặt kiến thức, năng lực mà cả những yếu tố về tâm lý mà đối với học sinh phổ thông chỉ có thể thực hiện ở trường thôi”, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên VOV2 bên lề hành lang kỳ họp thứ 2 (Quốc hội khóa XV), ông Nguyễn Anh Trí (ĐBQH TP. Hà Nội) cũng cho rằng, dịch bệnh xảy ra thì quan trọng số 1 là phải bảo đảm an toàn sức khỏe. Tuy nhiên, nhu cầu được đến trường học trực tiếp là nhu cầu chính đáng của học sinh. Cả xã hội, Chính phủ, Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế cần vào cuộc để giúp các cháu được đi học an toàn.

“Nếu xã hội đồng lòng, ngành y tế, địa phương tham gia quyết liệt được, nhà trường cố gắng thì hoàn toàn cho học sinh đến trường học trực tiếp được”, ông Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.