Ngày 15/2, trong Chương trình tư vấn tuyển sinh tại Đồng Nai, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, ngay trong tháng 2, Bộ GD-ĐT sẽ công bố quy chế tuyển sinh đại học năm 2025.
Điểm đáng chú, theo bà Thủy, Bộ sẽ bỏ hẳn đợt xét tuyển sớm và chỉ xét tuyển thẳng theo quy định chung của Bộ GD-ĐT.
"Đây không phải là phương thức xét tuyển mà chỉ là thời điểm xét tuyển, chúng ta không cần thiết phải có đợt xét tuyển sớm. Tất cả sẽ tuân theo quy trình xét tuyển chung trên hệ thống của Bộ GD-ĐT", bà Thủy cho hay.
Riêng đối với phương thức xét tuyển thẳng, Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết sẽ thực hiện theo quy chế.
Các thí sinh thuộc đối tượng xét tuyển thẳng, xét tuyển tài năng, xuất sắc, vượt trội... sẽ thực hiện theo đúng quy chế của Bộ GD-ĐT.

Đối với các cơ sở đào tạo sử dụng kết quả học tập của thí sinh ở bậc THPT để xét tuyển thì phải sử dụng cả kết quả học tập của cả năm học lớp 12. Điều này để tránh việc học sinh bỏ lỡ những kiến thức quan trọng của lớp 12 - năm học bản lề cho giai đoạn học tập tiếp theo ở trình độ cao hơn.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cũng cho biết, năm 2025, các cơ sở đào tạo cũng phải xây dựng, thiết kế bảng quy đổi điểm tương đương cho tất cả các phương thức, tổ hợp xét tuyển. Các cơ sở đào tạo không cần phải phân bổ chỉ tiêu cho từng phương thức mà sau khi quy đổi điểm sẽ lấy kết quả trúng tuyển trên nguyên tắc từ cao xuống thấp.
"Bỏ xét tuyển sớm cũng như quy đổi điểm tương đương cho tất cả các phương thức xét tuyển chỉ nhằm đảm bảo sự công bằng trong xét tuyển chứ không làm giảm đi cơ hội cho thí sinh. Việc cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng đã là cơ hội rất tốt. Việc xét tuyển sớm hay muộn cuối cùng mỗi thí sinh cũng chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.
Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, năm 2025 các cơ sở đào tạo được quyền quy đổi kết quả các chứng chỉ ngoại ngữ thành một đầu điểm ngoại ngữ để xét tuyển.
Như vậy, thí sinh nào đã sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ (trong quy định của Bộ GD-ĐT) thì không nhất thiết phải tham dự môn Ngoại ngữ tại kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh có thể sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ như một đầu điểm để xét tuyển đại học.
Quy chế tuyển sinh năm 2025, Bộ GD-ĐT cũng bỏ quy định mỗi ngành, chương trình đào tạo tối đa có 4 tổ hợp xét tuyển. Điều này phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018 và giúp các cơ sở đào tạo chủ động trong việc xây dựng các tổ hợp xét tuyển.

Cũng tại Chương trình tư vấn tuyển sinh 2025, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cũng cho biết, các môn chung giữa các tổ hợp xét tuyển của một ngành/nhóm ngành/chương trình đào tạo thì phải chiếm tối thiểu 50% trọng số điểm xét tuyển. Tuy nhiên quy định này chỉ áp dụng từ năm 2026.
Đại diện Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh, khi thí sinh được phép sử dụng chứng chỉ xét tuyển thì điểm cộng ưu tiên sẽ không quá nhiều. Bộ quy định, điểm cộng ưu tiên của mỗi thí sinh sẽ không vượt quá 10% mức điểm tối đa.
"Điểm cộng này là sau khi đã cộng điểm ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng. Trong trường hợp có thêm điểm cộng ưu tiên khác được thể hiện trong đề án tuyển sinh của cơ sở đào tạo thì điểm cộng không vượt quá 10% mức điểm tối đa tổ hợp điểm xét tuyển. Đồng thời tổng điểm xét tuyển cũng không được vượt quá mức điểm tối đa. Điều này có nghĩa nếu thang điểm 30/30 thì dù được cộng bao nhiêu điểm ưu tiên thì sẽ không có thí sinh nào đạt 31/30 điểm", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay.