10 cơ sở đào tạo thông báo kế hoạch tổ chức kỳ thi xét tuyển riêng trong năm 2023 gồm: ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, ĐHQG Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Việt Đức, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Cửu Long (Vĩnh Long), kỳ thi của Bộ Công an.

Việc các cơ sở đào tạo tổ chức các kỳ thi riêng nhằm giảm sự phụ thuộc vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, đảm bảo chất lượng đầu vào theo yêu cầu riêng của mỗi trường, mỗi ngành học. Bên cạnh đó, việc nhiều kỳ thi riêng được tổ chức cũng mở thêm cơ hội vào đại học của thí sinh.

Tuy nhiên, trao đổi với VOV2, TS. Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học cho rằng, khi có nhiều kỳ thi riêng và nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau khiến cho công tác xét tuyển trở nên phức tạp, thậm chí làm khó cho thí sinh.

"Năm 2022, Bộ GD-ĐT chủ trì thực hiện xét tuyển chung trên cùng một hệ thống. Tổng số có đến 20 phương thức xét tuyển cùng nhiều kỳ thi riêng được tổ chức khiến cho công tác xét tuyển trở nên phức tạp, các nhà chuyên môn còn phải rối mắt với ma trận xét tuyển thì làm sao thí sinh, phụ huynh có thể hình dung hết được toàn bộ các phương thức xét tuyển", TS. Lê Đông Phương nói.

Bấm nghe chương trình Diễn đàn VOV2:

(TS. Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học)

Các quy định pháp luật hiện nay cho phép các cơ sở đào tạo được tự chủ trong công tác tuyển sinh nhưng ông Phương nhấn mạnh, việc tuyển sinh phải đảm bảo công bằng, minh bạch. Việc một ngành học có đến 4-5 phương thức xét tuyển khó lòng đảm bảo sự công bằng cho thí sinh.

"Chúng ta cần giải thích rõ vì sao học tuyển sinh ngành Kinh tế nhưng lại lấy điểm của môn Khoa học xã hội để xét tuyển hoặc khối ngành Công nghệ, Kỹ thuật nhưng lại xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực tiếng Anh do nước ngoài tổ chức. Không có gì chứng minh được rằng kết quả xét tuyển đấy đảm bảo phù hợp với ngành học", ông Phương nêu quan điểm.

Liên quan đến việc tổ chức các kỳ thi xét tuyển riêng, TS. Lê Đông Phương nhận thấy, kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội tổ chức, các điểm thi diễn ra chủ yếu các tỉnh phía Bắc trung bộ, Đồng bằng sông Hồng còn kỳ thi do ĐHQG TP. Hồ Chí Minh tổ chức có độ bao phủ rộng hơn từ Nam trung bộ, Tây Nguyên đến Tây Nam bộ.

Như vậy theo ông Phương, những thí sinh muốn sử dụng kết quả thi của ĐHQG Hà Nội mà không nằm ở khu vực Bắc trung bộ hay Đồng bằng sông Hồng thì sẽ gặp nhiều khó khăn, các em phải về địa điểm thi ở Hà Nội, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ dự thi. Do vậy cần phải đặt câu hỏi về tính công bằng, trước hết là công bằng trong cơ hội được đi thi.

"Chúng ta phải làm tốt công tác hậu kiểm. Phải xem rõ các kỳ thi riêng đã đảm bảo công bằng hay không? Tính học thuật của các kỳ thi này như thế nào? Ngay hai kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Hội và ĐHQG TP. Hồ Chí Minh đã cho thấy, cấu trúc đề thi khác nhau, kết quả thi và phổ điểm khác nhau. Vậy các kỳ thi vừa mới công bố kế hoạch tổ chức thì cần có sự kiểm chứng. Bộ GD–ĐT cần tổ chức thẩm định các kỳ thi riêng. Những kỳ thi nào không đáp ứng được yêu cầu có lẽ phải loại trừ ra khỏi hệ thống sử dụng, ít nhất là bên ngoài nhà trường đó để tránh hiện tượng mất công bằng", TS. Lê Đông Phương đề xuất.

Trước xu hướng nhiều trường đại học tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển, ngày 10/2, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, chủ trương "giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học" đã được nêu tại Nghị quyết 29 của Trung ương. Các cơ sở giáo dục đại học được quyền xây dựng, công bố và thực hiện đề án tuyển sinh riêng; theo đó có thể cân nhắc nhiều mặt để tự tổ chức các kỳ thi riêng để tuyển sinh.

Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm giải trình và cam kết đối với thí sinh, cơ quan quản lý nhà nước và xã hội về các hoạt động của mình, trong đó có việc tuyển sinh, việc tổ chức các kỳ thi riêng để tuyển sinh.

Cơ sở đào tạo tổ chức thi phải bảo đảm đủ năng lực về đội ngũ, cơ sở vật chất và các điều kiện khác để tổ chức kỳ thi khách quan, nghiêm túc, chuyên nghiệp, an toàn, thuận tiện và hiệu quả; đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi công tác trước, trong và sau kỳ thi, bao gồm cả trách nhiệm giải trình trước cơ quan quản lý nhà nước và xã hội về đề án tổ chức thi và việc triển khai đề án tổ chức thi, quy chế thi, chất lượng đề thi và quy trình tổ chức thi và kết quả thi…

“Thực tế cho thấy, một cơ sở đào tạo tổ chức thi nhưng có nhiều cơ sở đào tạo khác sử dụng kết quả kỳ thi của đơn vị đó để xét tuyển. Chính vì vậy, các kỳ thi này cần phải có sự quản lý chặt chẽ từ các bên liên quan, đồng thời cần được thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm công bằng, khách quan, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh”, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) nêu quan điểm.