Nhìn lại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, ông Lê Mỹ Phong, Phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho rằng, sau 3 năm dịch Covid-19, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã trở lại một đợt thi với những điểm nhấn trong phòng chống gian lận, cách ra đề thi, ứng dụng công nghệ thông tin…
Tăng cường phòng chống gian lận, sử dụng thiết bị công nghệ cao
Năm 2022, Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông về cơ bản giữ ổn định về phương thức như năm 2021.
Theo ông Mỹ Phong, năm nay điểm mới là tổ chức đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến cho thí sinh lớp 12 của năm học 2021-2022. Công việc này lần đầu tiên thực hiện nhưng đã đạt kết quả rất tốt và nhận được đánh giá tích cực của các địa phương.
Trong công tác chuẩn bị và coi thi, Bộ GD-ĐT rất chú trọng đến phòng, chống gian lận, sử dụng thiết bị công nghệ cao. Bộ GD-ĐT đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ, tiếp tục hỗ trợ tích cực của các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an. Các Hội đồng thi đã thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn thi năm nay, bố trí địa điểm bảo quản vật dụng cho thí sinh an toàn cách biệt.
Tất cả những tình huống trong kỳ thi đã được xử lý một cách an toàn. Công tác coi thi về cơ bản đã thực hiện nghiêm túc bảo đảm trật tự an toàn của trường thi.
Năm nay, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đã được chú trọng gọn nhẹ hơn nhưng hiệu quả thiết thực hơn. Công tác ra đề in sao vận chuyển, bảo quản đề thi đã được thực hiện tuyệt đối an toàn, bảo mật và nhận được sự đánh giá tích cực của các bên liên quan. Các khâu Chấm thi, công bố kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp thực hiện đúng kế hoạch và bảo đảm an toàn nghiêm túc.
Đề thi tăng khả năng phân hóa
Theo ông Mỹ Phong, Đề thi của kỳ thi năm 2022 đã được xây dựng bảo đảm đúng yêu cầu mục đích của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Mục đích của kỳ thi đã được nêu rõ, đó là phải đánh giá được kết quả học tập người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình phổ thông và kết quả thi được lấy để xét công nhận tốt nghiệp TH phổ thông làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy học của các trường phổ thông và công tác chỉ đạo của cơ quan quản lý giáo dục. Do vậy, đề thi năm nay đã được ra bảo đảm nằm trong chương trình giáo dục trung học phổ thông chủ yếu lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch Covid-19 thì không được đưa vào đề thi.
Tuy đề thi của các môn gồm phần lớn các câu hỏi, mức độ cơ bản nhưng đồng thời có một số lượng hợp lý các câu hỏi, mức độ vận dụng và vận dụng cao để phân hóa kết quả dự thi cho thí sinh.
“Chúng ta đều biết là một trong những mục đích của kỳ thi, kết quả thi có thể để cho các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng để làm căn cứ để xét tuyển sinh. Năm 2022, Bộ GD-ĐT chỉ đạo Hội đồng ra đề thi thực hiện công tác ra đề ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, đã lựa chọn kỹ lực lượng giáo viên tham gia từng khâu của công tác ra đề thi.
Thời điểm này về cơ bản các đề thi đã được các bên liên quan, đặc biệt là các giáo viên, học sinh đánh giá tích cực", ông Mỹ Phong nhận định.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm sau sẽ theo quy mô nào?
Với một tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm luôn ở mức cao hơn 90%, có nhiều ý kiến cho rằng nên chăng cần đặt lại Kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ ở quy mô các địa phương?
Trước ý kiến này, ông Mỹ Phong cho biết theo quy chế thi hiện hành, Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức nhằm mục đích đánh giá kết quả học tập người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để tuyển sinh.
Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2023, 2024 và giai đoạn 2025 trở đi vừa bảo đảm được đúng theo Luật Giáo dục nhưng cũng ngày càng gọn nhẹ thiết thực hơn, đánh giá được chính xác năng lực của người học để xin ý kiến rộng rãi dư luận xã hội và trình Chính phủ.
Theo ông Mỹ Phong, kinh nghiệm muốn đạt được một kỳ thi có chất lượng thì tất cả các bên liên quan “cần phải có sự đồng lòng”. Đồng thời, 4 yếu tố mà Lãnh đạo Bộ GD-ĐT thường nhắc tới, đó là: Phải nắm chắc quy định hướng dẫn; Chuẩn bị đầy đủ nguồn lực từ nguồn lực con người đến nguồn lực tài chính, trang thiết bị; Chủ động được mọi tình huống, kiểm soát tốt tình hình; Xử lý những tình huống trong quá trình coi thi chấm thi một cách linh hoạt, hiệu quả và đúng quy định, quy chế thi và hướng dẫn của Bộ.