Thời gian qua, nhiều trường Đại học đã công bố phương án tuyển sinh. Điểm đáng chú ý là sự xuất hiện của một số tổ hợp “lạ” - không có môn học chính, cốt lõi liên quan trực tiếp đến ngành đào tạo.
Chẳng hạn như Trường đại học Đồng Tháp xét tuyển ngành sư phạm Vật lí xét tuyển các tổ hợp Toán - Văn - tiếng Anh, Toán - Văn - Hóa, không có môn Vật lí.
Ngoài ngành sư phạm hóa học xét tuyển tổ hợp Toán - Văn - Vật lí; Toán - Văn - tiếng Anh; Sư phạm Sinh học tuyển tổ hợp Toán - Văn - Hóa...
Tương tự, năm nay trường Đại học Thủ đô Hà Nội tuyển sinh ngành Sư phạm Vật lý với bốn tổ hợp nhưng chỉ có duy nhất một tổ hợp có môn Vật lí là C01 (Văn, Toán, Vật lí). 3 tổ hợp còn lại đều không có môn này, gồm: D01 (Toán, Văn, tiếng Anh), C02 (Văn, Toán, Hóa) và C04 (Văn, Toán, Địa).
Đối với ngành Sư phạm Lịch sử, trường cũng xét tuyển theo bốn tổ hợp, trong đó chỉ có duy nhất một tổ hợp có môn Lịch sử là C03 (Văn, Toán, Sử).
Ba tổ hợp còn lại đều không có môn này, gồm: D01 (Toán, Văn, tiếng Anh), C04 (Văn, Toán, Địa), C14 (Văn, Toán, Giáo dục kinh tế và pháp luật).
Ngành Sư phạm tiếng Anh cũng sử dụng bốn tổ hợp như ngành Sư phạm Lịch sử và chỉ có duy nhất một tổ hợp có môn tiếng Anh là D01 (Toán, Văn, tiếng Anh).

Ngành sư phạm địa lý Trường đại học Hải Dương xét tuyển tổ hợp Toán - Văn - tiếng Anh. Ngành sư phạm vật lý Trường đại học Phạm Văn Đồng bên cạnh ba tổ hợp có môn Vật lí còn xét tuyển tổ hợp Toán - Văn - tiếng Anh.
Ngành sư phạm vật lý Trường đại học Khánh Hòa xét tuyển các tổ hợp Toán - Hóa - tiếng Anh và Toán - Hóa - Sinh bên cạnh hai tổ hợp có môn Vật lí.
Tại trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) xét tuyển ngành Sư phạm Lịch sử cũng có những tổ hợp không cần sử dụng điểm thi môn Lịch sử. Cụ thể, ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, trường xét tuyển 4 tổ hợp gồm: C19 (Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân), C20 (Ngữ văn, Địa lí, Giáo dục công dân), C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí) và D01 (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh).
Trường Đại học Hoà Bình tuyển sinh ngành Y khoa và Y học cổ truyền, Dược, Điều dưỡng với 4 tổ hợp nhưng chỉ duy nhất một tổ hợp có môn Sinh học là B00 (Toán, Lý, Sinh), 3 tổ hợp còn lại không có môn Sinh học, gồm A01 (Toán, Lý, tiếng Anh), C04 (Văn, Toán, Địa lí), D01 (Văn, Toán, tiếng Anh).
Việc các cơ sở đào tạo tuyển sinh một số ngành học bằng các tổ hợp không có môn chính khiến nhiều người lo ngại sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc học của sinh viên cũng như kết quả đào tạo, giảng dạy sau này.
Sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo rà soát các tổ hợp xét tuyển không phù hợp
Trao đổi với VOV2, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, trong các năm trước mặc dù thí sinh trúng tuyển bằng các tổ khác nhau nhưng về cơ bản các em cùng học những môn học giống nhau ở bậc THPT.
Khi xét tuyển, đánh giá năng lực, các trường không thể đưa tất cả các môn học vào trong các tổ hợp cụ thể. Tuy nhiên như hai tổ hợp Toán- Lý-Anh với Toán-Lý-Hóa thì tổ hợp Toán-Lý-Anh có thể không có điểm đánh giá môn Hóa nhưng các trường tin rằng khi đánh giá Toán-Lý-Anh được tốt thì cũng đã đánh giá được năng lực em học môn Hóa.
Tuy nhiên, kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm nay có một điểm khác biệt khi là năm đầu tiên tổ chức thi, xét tuyển theo chương trình giáo dục 2018. Theo đó, ở bậc THPT có những môn tự chọn, có những môn học bắt buộc. Vì vậy, có thể một thí sinh trúng tuyển theo khối A00 (Toán, Vật Lý và Hóa học), A01 (Toán học, Vật Lý, và Tiếng Anh) không có nghĩa thí sinh đó được học những môn còn lại.
"Đây là một điều đáng lo ngại vì những năm trước, sau khi tốt nghiệp THPT dù có thi hay không thi một môn học nào đó thì trước đó thí sinh cũng được học phổ thông. Bộ GD-ĐT sẽ quán triệt, yêu cầu các trường phải rà soát lại", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, mặc dù quy chế tuyển sinh không quy định riêng cho từng ngành, từng trường nhưng có đặt ra yêu cầu rất cơ bản là tiêu chí đánh giá kết quả học tập, năng lực của thí sinh phải phù hợp để thí sinh học cho ngành học đó. Vậy các trường phải xem xét việc đánh giá có đánh giá được năng lực của thí sinh để phù hợp với ngành học nào đó không?
"Ví dụ xét tuyển vào ngành Vật lý nhưng nếu 3 năm học sinh không học môn này ở phổ thông và giờ sử dụng những tổ hợp khác không có môn Vật lí thì liệu có phù hợp không? Trong trường hợp này, nếu thí sinh chọn tổ hợp Toán-Hóa-Anh để xét tuyển vào ngành Vật lí thì gần như chắc chắn thí sinh đó không học môn Vật lý ở phổ thông và không sử dụng môn học này để thi tốt nghiệp THPT, đây là điều không phù hợp. Bộ sẽ có thông điệp mạnh mẽ trong hội nghị tuyển sinh 2025 để các trường rà soát, xem lại", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.
Liên quan đến quy định, các trường đại học phải quy đổi tương đương các phương thức và tổ hợp xét tuyển về một thang điểm nhằm bảo đảm sự công bằng giữa các thí sinh, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng việc quy đổi điểm này không phải mới. Ví dụ giữa hai tổ hợp xét tuyển A00, A01, các trường đã xác định điểm chuẩn chênh lệch giữa hai tổ hợp này là 0,5 điểm hoặc tương đương nhau; Hoặc giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm xét tuyển học bạ, có trường xác định điểm chênh lệch giữa hai phương thức này 1-2 điểm... bản chất đây cũng là một dạng quy đổi điểm.
"Đối với điểm thi đánh giá năng lực của các ĐHQG, các kỳ thi riêng của các cơ sở đào tạo khác... ở đây không chỉ khác nhau về thang điểm mà còn khác nhau về phân bố điểm thi. Nhiều ý kiến cho rằng việc quy đổi này là không phù hợp nhưng nó sẽ không phù hợp nếu việc quy đổi đó thực hiện theo tuyến tính. Để chính xác, công bằng việc quy đổi phải theo phi tuyến tính. Bộ không yêu cầu quy đổi cả thang điểm mà chỉ yêu cầu các trường phải có một công thức cụ thể, ví dụ điểm chuẩn 100-120/150 của kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG Hà Nội thì tương ứng với điểm chuẩn kết quả thi THPT theo thang điểm 30 là bao nhiêu?", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phân tích.
Ông Sơn cũng khẳng định, việc quy đổi điểm này không phải là một bài toán khó thực hiện. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hướng dẫn các trường về phương pháp quy đổi; quy tắc chuẩn hóa đối với một số kỳ thi thông dụng như kỳ thi Đánh giá năng lực của hai ĐHQG hay kỳ thi Đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Các cơ sở đào tạo sẽ xây dựng và Bộ GD-ĐT sẽ xem xét và phê duyệt công thức tổng quát. Sau đó các trường có thể điều chỉnh trong phạm vi nhất định để phù hợp với yêu cầu tuyển sinh của trường mình.