Ngày 28/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị.

Kiến nghị bổ sung gần 95 nghìn giáo viên trong 5 năm (2021-2025)

Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 và Triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đã trình bày báo cáo Kết quả thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học 2020 – 2021. Trong đó nhấn mạnh, để thích ứng với tình hình dịch bệnh COVID-19, năm học 2020-2021 ngành Giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động, thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo vừa làm tốt công tác giảng dạy.

Năm học 2020 - 2021, ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế tháo gỡ những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương; đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông; nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS; bổ sung loại trường tư thục không vì lợi nhuận...

Công tác triển khai chương trình, SGK mới đối với lớp 1 hoàn thành đúng kế hoạch, đảm bảo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, một số mặt còn nổi trội hơn so với chương trình hiện hành. Chất lượng GDPT mũi nhọn tiếp tục được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Kết quả thi Olympic năm 2021, với 37/37 học sinh dự thi đều đạt giải đã khẳng định sự cố gắng vượt bậc trong học tập, rèn luyện của học sinh, giáo viên và các nhà trường, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, Bộ GD-ĐT đã chủ động điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT thành 02 đợt, nhằm bảo đảm quyền lợi và tiếp cận công bằng cho học sinh.

Liên quan tới đội ngũ giáo viên, theo Bộ GD-ĐT, trong thời gian qua Bộ đã hướng dẫn địa phương rà soát việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng giáo viên hợp lý, hiệu quả; đồng thời có giải pháp lâu dài để quy hoạch, tuyển dụng và bố trí đủ giáo viên dạy đúng và đủ các môn học, thực hiện điều tiết giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, bảo đảm “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”; ưu tiên bảo đảm giáo viên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Căn cứ số liệu thừa, thiếu giáo viên trên cả nước, Bộ GD-ĐT đã đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung 94.714 biên chế trong giai đoạn 2021-2025, trong đó riêng năm 2021 đề nghị bổ sung khoảng 30.000 biên chế (gồm 20.000 biên chế giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, cấp THPT và 10.000 biên chế giáo viên mầm non cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa khó khăn, vùng dân tộc thiểu số).

Theo Bộ GD-ĐT, hiện nay tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo (theo Luật Giáo dục 2019) cấp mầm non là 77,8%, tiểu học là 69,4%, THCS là 83,3%, THPT là 99,9%.

Theo Bộ GD-ĐT, các địa phương đã chủ động rà soát đội ngũ giáo viên hiện có để xác định số lượng biên chế giáo viên cần bổ sung cho từng cấp học; xây dựng lộ trình, các giải pháp khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên gắn với nâng cao hiệu quả việc tinh giản biên chế; tính toán nhu cầu đào tạo nâng chuẩn trình độ đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông theo Luật Giáo dục 2019 và phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên để đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng; chú trọng triển khai tập huấn, bồi dưỡng bằng hình thức bồi dưỡng qua mạng (thông qua hệ thống quản lý học tập trực tuyến - LMS).

Năm 2021, các địa phương sẽ cử 37.389 giáo viên tham gia đào tạo nâng chuẩn trình độ, gồm: 9.859 giáo viên mầm non (chiếm tỉ lệ 10,96% giáo viên chưa đạt chuẩn); 17.822 giáo viên tiểu học (chiếm tỉ lệ 6,36% giáo viên chưa đạt chuẩn); 9.708 giáo viên THCS (chiếm tỉ lệ 3,86% giáo viên chưa đạt chuẩn).

Mong sớm tiêm vaccine cho học sinh

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, Bộ GD-ĐT kiến nghị nghị Chính phủ quan tâm xem xét bổ sung thêm biên chế tuyển dụng giáo viên đảm bảo các quy định hiện hành về vị trí việc làm và định mức giáo viên.

Không áp dụng quy định giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập, 10% biên chế sự nghiệp, 10% chi trực tiếp từ ngân sách đối với các đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục đào tạo. Chỉ đạo các tỉnh/thành phố tổ chức nhiệm vụ đặt hàng đào tạo giáo viên với các cơ sở đào tạo giáo viên.

Đặc biệt, Bộ GD-ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành Y tế có giải pháp để sớm thực hiện việc tiêm vaccine cho học sinh, trước mắt là học sinh THPT.

Đồng thời, Bộ GD-ĐT kiến nghị Chính phủ xem xét bổ sung kinh phí để ngành giáo dục thực hiện các giải pháp thích ứng với dịch COVID-19 được dự báo còn diễn biến phức tạp; đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy và học, trước mắt tập trung xây dựng bài giảng trên truyền hình, bài giảng điện tử dùng chung cho học sinh cả nước. Tập huấn giáo viên kỹ năng dạy và quản lý lớp học trực tuyến…