Dự thảo Thông tư mới quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh, thay thế Thông tư 08/TT (ban hành từ năm 1988) dự kiến bãi bỏ các hình thức kỷ luật nặng như tạm dừng học hay đình chỉ học tập, thay vào đó là các biện pháp mang tính giáo dục như viết bản tự kiểm điểm, nhắc nhở và phê bình. Mục tiêu là hướng tới sự bao dung, đồng hành và hỗ trợ học sinh tự điều chỉnh hành vi, tiến bộ trong học tập và rèn luyện.

Đối với học sinh tiểu học, các hình thức kỷ luật chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở và yêu cầu xin lỗi, đồng thời không lưu vào hồ sơ hay học bạ.

Đối với học sinh các cấp học còn lại, sẽ áp dụng ba hình thức: nhắc nhở, phê bình và yêu cầu viết bản kiểm điểm – tất cả đều hướng tới mục tiêu giáo dục, không mang tính trừng phạt.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành (trường Đại học FPT) cho biết, quyền được đến trường là một trong những quyền quan trọng được quy định tại Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Bà ủng hộ việc bãi bỏ các hình thức kỷ luật như phê bình học sinh trước lớp, trước toàn trường, đuổi học học sinh...

Tuy nhiên theo chuyên gia tâm lý Hà Thành Bộ GD-ĐT cần có sự cân nhắc thấu đáo về việc bãi bỏ hình thức kỷ luật tạm dừng học hay đình chỉ học tập đối với học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện.

Bởi việc tạm dừng học tập cũng là cách để học sinh có khoảng thời gian cần thiết để suy ngẫm; giáo viên, gia đình cũng có thời gian đưa ra biện pháp giáo dục phù hợp hoặc hỗ trợ, tư vấn tâm lý.

"Việc tạm dừng nghỉ học trong thời gian ngắn nên được hiểu để học sinh tạm thời được ngắt khỏi không gian đang căng thẳng cho cả học sinh, trường lớp, giáo viên", chuyên gia tâm lý Hà Thành nêu quan điểm.

Cũng theo chuyên gia tâm lý Hà Thành, hiện một số nền giáo dục tiên tiến trên thế giới như Mỹ vẫn duy trì hình thức kỷ luật tạm đình chỉ học sinh, tùy thuộc vào hành vi vi phạm của học sinh như bạo lực, sử dụng các chất gây nghiện...

Do vậy, trong trường hợp bãi bỏ hình thức kỷ luật đình chỉ học tập, bà Hà Thành cho rằng, Bộ GD-ĐT cũng như các cơ sở giáo dục cần tính đến khả năng áp dụng quy định mới vào thực tiễn hoặc cần có biện pháp thay thế.

"Trong một lớp học thường sẽ có một số học sinh có cá tính mạnh, khó bảo. Việc đình chỉ học tập trong khoảng thời gian ngắn nếu nhìn ở góc độ tích cực là điều tốt cho học sinh, các em không phải nghĩ mọi cách để chống đối; tạm thời đình chỉ học tập cũng là tốt cho trường học để giáo viên có thời gian khoan hòa nghĩ một biện pháp giáo dục khác... Đây có thể gọi là khoảng thời gian tạm lắng cho tất cả các bên", chuyên gia tâm lý Hà Thành phân tích.

Chỉ viết bản kiểm điểm sẽ không có tính răn đe

Chia sẻ quan điểm với VOV2, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội tâm lý học Việt Nam cũng cho biết, ông ủng bộ bãi bỏ hình thức kỷ luật đuổi học sinh nhưng việc duy trì hình thức kỷ luật tạm đình chỉ học tập là điều cần thiết.

Ông Lâm phân tích, khi học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện cần có thời gian để học sinh nhìn nhận; cần có thời gian để các nhà giáo dục tìm giải pháp tác động để học sinh nhận ra khuyết điểm của mình.

"Bởi không phải lúc nào học sinh cũng đưa ra lời hứa và giáo viên đưa ra lời khuyên là xong. Quá trình giúp học sinh nhận ra lỗi cần phải có thời gian", TS. Nguyễn Tùng Lâm nói.

Với tư cách người sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng - ngôi trường nổi tiếng giáo dục học sinh cá biệt, TS. Nguyễn Tùng Lâm nêu nguyên tắc "5 tự" dành cho học sinh: "Tự học, tự chủ, tự trọng, tự tin, tự chịu trách nhiệm".

"Dự thảo đề xuất viết bản kiểm điểm là hình thức kỷ luật cao nhất là không đúng. Viết bản kiểm điểm chỉ là một biện pháp để học sinh tự nhận ra thiếu sót của bản thân. Đây không phải là mức kỷ luật có tính răn đe.

Vẫn cần có khoảng thời gian tạm dừng đến trường có thể chỉ 1-3 ngày để học sinh nhận thức được hành vi của mình. Trong khoảng thời gian đình chỉ học tập đó cũng không có nghĩa là phó mặc học sinh mà nhà trường phối hợp gia đình có hình thức can thiệp, hỗ trợ, tư vấn", TS. Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Quy định về khen thưởng, kỷ luật học sinh có từ năm 1988. Trong đó, các hình thức kỷ luật học sinh là khiển trách trước lớp, trước trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học một tuần và đuổi học một năm. Năm 2020, Bộ GD-ĐT ban hành điều lệ trường học, bỏ hình thức phê bình trước lớp, trường. Mức kỷ luật cao nhất với học sinh là tạm dừng học có thời hạn.