Trao đổi với P/V VOV2 (Đài TNVN), PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, đến nay về cơ bản công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã hoàn tất.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, vừa qua, Bộ GD-ĐT thành lập các đoàn kiểm tra công tác tổ chức kỳ thi và nhận thấy sự vào cuộc trách nhiệm, quyết liệt của Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tại các địa phương. Đến nay, các địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, nhân lực, phân công và tập huấn công tác coi thi, chấm thi…

“Tất cả các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT đều quan trọng. Tuy nhiên có 5 khâu quan trọng nhất: In sao đề thi, coi thi, chấm thi, công bố điểm thi, xét tốt nghiệp THPT. Hiện UBND các tỉnh/thành phố đều có chỉ thị, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo quyết liệt các khâu quan trọng này”, ông Chương cho biết.

Trong bối cảnh chỉ còn hơn một tuần nữa Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra, PGS.TS Huỳnh Văn Chương cho biết, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các địa phương rà soát lại tất cả các khâu của kỳ thi, đặc biệt là địa điểm in sao đề thi bảo đảm ba vòng độc lập đúng theo quy chế; Kiểm tra lại cơ sở vật chất tại các phòng thi, nhân lực, cán bộ làm công tác coi thi, tập huấn…

Mời các bạn bấm nghe cuộc trao đổi giữa PV VOV2 với PGS.TS Huỳnh Văn Chương:

Liên quan đến công tác in sao đề thi, để tránh tình trạng đề thi in sao bị mờ như xảy ra tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT của TP. Hà Nội, PGS. TS Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh, Bộ GD-ĐT đã đề nghị các địa phương rà soát lại tất cả các máy móc, cần thiết đầu tư, bổ sung thêm máy móc mới.

“Bởi đây là kỳ thi rất quan trọng nên máy móc, thiết bị phải đảm bảo chạy tốt, in rõ và đặc biệt trong trường hợp máy móc bị hỏng thì phải có phương án thay thế. In sao đề thi là bước cuối cùng đưa đề thi đến thí sinh nên phải rất thận trọng, kiểm tra kỹ để tránh sai sót về kỹ thuật in ấn. Hầu hết các địa phương hiện nay đều có phương án dự phòng về khâu đoạn này”, ông Chương chia sẻ.

Đối với công tác coi thi, theo ông Chương, trong các văn bản chỉ đạo cũng như tại các cuộc làm việc trực tiếp với các Ban chỉ đạo thi THPT của các địa phương, Bộ GD-ĐT lưu ý địa phương phải làm tốt công tác tập huấn cán bộ coi thi. Cán bộ coi thi phải thực hiện đúng theo quy chế thi và không tự ý sáng tạo thêm.

Bên cạnh đội ngũ coi thi thì các bộ phận thanh tra, giám sát, lực lượng công an…sẽ giúp cho công tác coi thi diễn ra nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy chế.

“Bộ GD-ĐT luôn nhắc nhở các địa phương không được phép chủ quan. Phải xây dựng các kịch bản, phương án dự phòng. Nếu có tình huống phát sinh xảy ra thì không được xử lý một mình mà phải báo lãnh đạo điểm thi, lãnh đạo điểm thi báo cáo cấp trên để thống nhất phương án xử lý”, PGS.TS Huỳnh Văn Chương nói.

Theo lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2023, thí sinh sẽ làm thủ tục dự thi vào ngày 27/6/2023, làm bài thi Ngữ văn và Toán hôm 28/6. Ngày 29/6, thí sinh thi Ngoại ngữ và một trong hai bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân với giáo dục phổ thông; hoặc Lịch sử, Địa lý với giáo dục thường xuyên).

Năm nay, tổng số thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT là 1.024.063. Trong đó, số thí sinh tự do là 37.841 (chiếm 3,69%). Thí sinh chỉ xét tốt nghiệp: 47.769 (chiếm 4,66%). Thí sinh chỉ xét tuyển sinh ĐH là 34.155 (chiếm 3,33%). Thí sinh xét tốt nghiệp để lấy kết quả tuyển sinh là 943.340 (chiếm 92,91%).

Tổng số thí sinh thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên là 323.187 (chiếm 31,52%). Tổng số thí sinh thi tổ hợp Khoa học Xã hội là 566.921 (chiếm 55,30%).

Toàn quốc có 2273 điểm thi với 44.661 phòng thi.