NQ 57- NQ/TW được coi là một nhiệm vụ quan trọng, là động lực xuyên suốt trong chiến lược phát triển của ĐH Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2025-2030. Các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo cũng như hợp tác với doanh nghiệp được tạo thành vòng tròn khép kín, một tổng thể thống nhất. Trên cơ sở phát huy tài năng của giảng viên, của sinh viên, đồng thời thu hút nhân tài là những chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia giảng dạy, nghiên cứu.
Để quá trình nghiên cứu khoa học tiệm cận đúng mục tiêu, mục đích, đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội, ĐH Bách khoa Hà Nội đã hình thành những tổ hợp, những trung tâm xuất sắc trong những lĩnh vực công nghệ trọng điểm, có chiến lược ưu tiên cho các lĩnh vực: trí tuệ nhân tạo, vi mạch bán dẫn, vật liệu mới, năng lượng xanh, môi trường bền vững, tự động hoá… Các hoạt động nghiên cứu đào tạo lĩnh vực ưu tiên này gắn với việc đầu tư trọng tâm, trong điểm của nhà nước và sự đồng hành cùng doanh nghiệp.
PGS.TS Huỳnh Đăng Chính phó Giám đốc ĐHBKHN cho biết: Ngay sau khi Bộ chính trị ban hành NQ 57, Đại học Bách khoa Hà Nội đã ban hành nghị quyết 86 để chi tiết hoá mục tiêu, nhiệm vụ của ĐH Bách khoa Hà Nội. Trong đó có những con số cụ thể về số lượng cũng như chất lượng đào tạo sau đại học, kỹ sư chuyên sâu để làm sao có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng những mục tiêu, tiêu chí của Nghị quyết 57.
Khi tạo được vòng tròn khép kín hệ sinh thái, ĐH Bách khoa Hà Nội kỳ vọng có thể ứng dụng công nghệ dựa trên nền tảng khoa học, ươm tạo được công nghệ cũng như tạo ra sản phẩm để đưa ra thị trường một cách nhanh nhất.

PGS.TS Huỳnh Đăng Chính cũng cho biết, song song với các hoạt động nghiên cứu, nâng cao chất lượng đào tạo thì nhà trường sẽ tập trung cho các ngành đào tạo trọng điểm đất nước đang cần. Mục tiêu của trường là trở thành một đại học nghiên cứu trong top 100 hàng đầu Châu Á.
Là cơ sở đào tạo uy tín phục vụ nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho khu vực phía Nam, ĐH Bách khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (ĐHBK-ĐHQG TP.HCM) đã và đang tiếp tục khẳng định uy tín trong đào tạo và phát triển KHCN, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ kỹ sư thông qua nhiều hình thức.
Ngay khi NQ 57 ra đời, Đảng bộ trường ĐHBK - ĐHQGTPHCM đã xây dựng chương trình hành động cụ thể. GS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐHBK - ĐHQG TP.HCM khẳng định: “Đây là cơ hội vô cùng to lớn cho nhà trường cũng như đội ngũ thầy cô, là cú hích tạo đà cho nhà trường để nối tiếp truyền thống thành quả trường đã làm từ đó đột phá đưa lên tầm cao mới”.

Với 3 hướng đi trọng tâm cùng với sự hỗ trợ của NQ 57, ĐHBK- ĐHQG TP.HCM đang phát huy những thế mạnh của mình trong đào tạo và nghiên cứu phát triển KHCN, đặc biệt là 1 số lĩnh vực trọng tâm mang tính chiến lược như công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật và vật liệu mới.
Là đơn vị dẫn đầu cả nước về đào tạo nhân lực cho lĩnh vực thiết kế vi mạch với tỷ lệ kỹ sư chiếm ưu thế đang làm việc cho lĩnh vực này, ĐHBK-ĐHQG TP.HCM đã được đầu tư phòng thí nghiệm thiết kế vi mạch từ gần 10 năm trước. Hiện nay trường tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, quốc tế hóa các chương trình đào tạo, thu hút nhân tài, thực hiện chế độ “khoán” nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện tối đa cho các nhà khoa học sáng tạo, thử nghiệm, chuyển giao công nghệ.
Với sự ra đời của NQ 57 của Bộ Chính trị, Hiệu trưởng ĐHBK- ĐHQG TP.HCM tin tưởng: “Những nền tảng đó được phát huy hơn nữa chắc chắn bách khoa TPHCM sẽ đáp ứng được chỉ tiêu kỳ vọng sớm làm chủ được một số công nghệ lõi thuộc về công nghệ chiến lược".
Trường ĐH Giao thông vận tải là cơ sở giáo dục trọng điểm có nhiệm vụ quan trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ dự án quốc gia đường sắt tốc độ cao, vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Độc quyền trong lĩnh vực đào tạo nhân lực đường sắt, trường đã và đang tập trung mọi nguồn lực để hiện thực hóa NQ 57. PGS.TS Nguyễn Thanh Chương – Chủ tịch Hội đồng trường cho biết, trường đã xây dựng những chương trình hành động cụ thể.
Trường tập trung xây dựng các chương trình mục tiêu nghiên cứu các công nghệ về đường sắt tốc độ cao đường sắt hiện đại, đường sắt đô thị, chip bán dẫn. Trường cũng đang phối hợp với các doanh nghiệp bên ngoài tổ chức xây dựng các kế hoạch cụ thể đáp ứng yêu cầu của đất nước, nghiên cứu kết cấu dầm của các công trình lớn phục vụ cho hệ thống giao thông hiện đại sau này, nghiên cứu ứng dụng công nghệ, tự động hóa và điều khiển trong giao thông vận tải, tổ chức vận hành giao thông vận tải trên hệ thống giao thông thông minh và ứng dụng chuyển đổi số.
Để có thể cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực trọng điểm, trường ĐH Giao thông vận tải đã đăng ký mở các ngành đào tạo mới, ký kết với các doanh nghiệp để có những sản phẩm cụ thể, phối hợp với các quốc gia, các trường ĐH ở nước ngoài có thế mạnh về các lĩnh vực đường sắt tốc độ cao, vi mạch bán dẫn để có hướng nghiên cứu phù hợp.

Phát huy thế mạnh của trường đại học trọng điểm trong lĩnh vực thủy lợi, tài nguyên nước và môi trường – Trường Đại học Thủy lợi (TLU) tiếp cận việc triển khai Nghị quyết này theo hướng kết hợp giữa tầm nhìn quốc gia và điều kiện cụ thể của nhà trường. Nhà trường đã xây dựng kế hoạch riêng để cụ thể hóa Nghị quyết, đồng thời đối chiếu và cập nhật với các chương trình hành động của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 193/2025/QH15, Nghị quyết 71/NQ-CP và Kế hoạch số 503/QĐ-BNNMT của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Cách tiếp cận toàn diện, linh hoạt, có sự phân vai giữa cấp trường – cấp đơn vị – cấp cá nhân, nhằm huy động tối đa nội lực trong nhà trường.

PGS.TS Hồ Sỹ Tâm – Trưởng Ban Khoa học công nghệ Trường ĐH Thủy Lợi chia sẻ: Để hiện thực hóa NQ 57, trường ưu tiên bốn nhóm giải pháp đột phá: Thứ nhất, thúc đẩy mạnh mẽ nghiên cứu khoa học gắn với nhu cầu xã hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực thế mạnh như: an ninh nguồn nước, an toàn đập, biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, và phát triển bền vững lưu vực sông. Thứ hai, xây dựng các nền tảng chuyển đổi số trong quản lý, đào tạo và nghiên cứu. Thứ ba, phát triển mô hình đại học đổi mới sáng tạo, tăng cường sở hữu trí tuệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu và hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên – giảng viên. Thứ tư, mở rộng hợp tác quốc tế, đặc biệt là thông qua các dự án ODA, hợp tác nghiên cứu liên ngành, đồng thời kết nối với doanh nghiệp để nâng cao giá trị ứng dụng của KHCN.
Tại trường ĐH Xây dựng Hà Nội, ngay sau khi NQ57/ BCT ban hành, nhà trường đã lên kế hoạch cụ thể từng bước thực hiện nhiệm vụ đổi mới đào tạo và tăng cường các hoạt động hợp tác nghiên cứu. PGS.TS Phạm Xuân Anh – Chủ tịch Hội đồng trường cho biết: Trường Đại học Xây dựng Hà Nội là một trong những trường xác định là trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực xây dựng và kiến trúc. Trước Nghị quyết 57 trường cũng đã triển khai những bước đi đầu tiên và sau đó bắt nhịp cùng Nghị quyết 57 trong đó có một số lĩnh vực trọng điểm: Thứ nhất là lĩnh vực liên quan đến cơ sở hạ tầng phục vụ cho chiến lược phát triển xây dựng đường sắt tốc độ cao. Trường đã kết hợp để tuyển sinh và đào tạo kỹ sư xây dựng đường sắt tốc độ cao từ năm 2024 và khoá đầu tiên đã triển khai đào tạo với các doanh nghiệp lớn như Vinaconex và một số doanh nghiệp lớn sẽ đảm nhận những nhiệm vụ này của đất nước thời gian tới đây. Thứ hai trường đã triển khai chương trình đào tạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân nhằm cung cấp nhân lực cho lĩnh vực này.

Đào tạo và nghiên cứu khoa học là thuộc tính là nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục Đại học. Nghị quyết 57/BCT là sự tháo gỡ những vướng mắc, mở ra cơ hội cho các trường ĐH phát triển nâng cao chất lượng đào tạo, và tạo điều kiện cho các nhà khoa học sáng tạo, nghiên cứu khoa học.
Sự chủ động của các cơ sở giáo dục ĐH, của bản thân các nhà khoa học là yếu tố quan trọng góp phần hiện thực hóa NQ 57, đưa đất nước “ vươn mình “ trên cơ sở lấy khoa học công nghệ làm đòn bẩy. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, để hiện thực hóa NQ 57, các trường ĐH cần làm tốt 2 nhiệm vụ chính trị cơ bản quan trọng, một là đào tạo chất lượng cao, hai là nghiên cứu KH đổi mới sáng tạo.

Khi dành nguồn lực cho đổi mới sáng tạo cùng với cơ chế chính sách được tháo gỡ thông qua NQ57, sắp tới Luật KHCN đổi mới sáng tạo và các luật khác như luật ngân sách, luật đầu tư công…, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng hoạt động KHCN đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học sẽ khởi sắc.
Tuy nhiên để hiện thực hóa NQ 57, các cơ sở giáo dục đại học phải chuẩn bị tâm thế, mô hình quản trị làm sao phù hợp phát huy được sức mạnh của đội ngũ giảng viên cũng như đội ngũ nghiên cứu sinh và học viên cao học. Tập trung nghiên cứu các lĩnh vực mình có thế mạnh, qua đó sẽ nâng cao chất lượng đào tạo và thu hút đầu tư từ nhà nước, doanh nghiệp cho các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Nhân lực là vấn đề cốt lõi quyết định thành công của công cuộc đổi mới, các cơ sở giáo dục đại học bắt buộc phải đi bằng 2 chân: một là đào tạo, hai là NCKH, sự cân bằng giữa đào tạo và nghiên cứu sẽ thúc đẩy lẫn nhau và với sự hỗ trợ của chính sách và áp lực của xã hội cũng như khát vọng của chính mình, các trường ĐH sẽ có nhiều giải pháp hiện thực hóa NQ57 của Bộ Chính trị.
