Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất hàng giả trong lĩnh vực y tế – đặc biệt là sữa, thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh – đang ngày càng tinh vi và khó kiểm soát. Trước thực tế này, sáng 23/5, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường đấu tranh phòng, chống hàng giả. Đây là hoạt động trọng tâm trong tháng cao điểm kéo dài từ 15/5 đến 15/6/2025.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: đấu tranh với hàng giả là nhiệm vụ cấp bách, cần triển khai quyết liệt, không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”. Tổ công tác đặc biệt do Thứ trưởng Bộ Y tế làm Tổ trưởng cũng đã được thành lập để chỉ đạo kiểm tra đột xuất, truy quét tại các điểm nóng.

Tham gia hội nghị, đại diện các địa phương đã thông tin thực tế và kiến nghị một số giải pháp.

Tại tỉnh An Giang, lãnh đạo ngành y tế thẳng thắn nhìn nhận lỗ hổng trong khâu hậu kiểm, đồng thời triển khai các đợt kiểm tra quy mô lớn, phối hợp nhiều lực lượng chức năng, xử lý hơn 200 vụ vi phạm, với tổng tiền phạt hơn 1 tỷ đồng.

“Một trong những nguyên nhân khiến hàng giả vẫn len lỏi trên thị trường chính là do công tác hậu kiểm ở địa phương còn lỏng lẻo, thiếu kịp thời. Có nơi kiểm tra theo kế hoạch nhưng chưa sâu sát, chưa phát hiện đúng trọng điểm. Đây là lỗ hổng mà chúng tôi đang tập trung chấn chỉnh” - ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết.

Tại thành phố Hồ Chí Minh - nơi có nhiều cơ sở y tế tư nhân và hoạt động thương mại điện tử sôi động - thành phố kiến nghị tăng chế tài xử phạt đối với hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, đặc biệt là quảng cáo sai sự thật trên nền tảng số.

“Chúng tôi đề xuất xử lý nghiêm các hành vi tái phạm, đồng thời cần có quy định cụ thể để kiểm soát chặt hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, mỹ phẩm trên mạng xã hội – vốn đang là điểm nóng của hàng giả hiện nay” – đại diện Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Về phía Bộ Công an, đại diện Cục Cảnh sát kinh tế (C03) khẳng định: từ đầu năm 2025, lực lượng công an các địa phương đã khởi tố 6 vụ án với 174 bị can liên quan đến tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả trong lĩnh vực thực phẩm và y tế.

“Chúng tôi xác định 8 thủ đoạn phổ biến, trong đó có việc lợi dụng cơ chế tự công bố sản phẩm, quảng cáo sai công dụng, thành lập nhiều doanh nghiệp ‘ma’, hợp thức hóa qua các mối quan hệ với cơ quan chức năng. Đáng lo ngại là có cán bộ bị khởi tố vì tiếp tay cho sai phạm” – đại diện C03 thông tin.

C03 cũng đề xuất xem xét trách nhiệm của cả tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý nhà nước, đồng thời kiến nghị sửa đổi một số điều trong Bộ luật Hình sự để tăng mức phạt tù và phạt tiền đối với các tội danh sản xuất, buôn bán hàng giả trong lĩnh vực y tế – nhằm tăng tính răn đe và phòng ngừa.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cảnh báo: nếu không chấn chỉnh kịp thời, tình trạng hàng giả sẽ tiếp tục lợi dụng thương mại điện tử, mạng xã hội để lan rộng, gây nguy cơ lớn cho sức khỏe cộng đồng.

“Chúng ta phải triển khai mạnh mẽ hơn từ trung ương đến địa phương, không thể để những bất cập trong hậu kiểm kéo dài. Hàng giả không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đe dọa tính mạng người dân”

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: trách nhiệm của chính quyền địa phương sẽ ngày càng nặng nề hơn, nhất là khi thực hiện phân cấp, phân quyền sâu rộng. Việc kiểm tra, giám sát tại cơ sở – nơi người dân trực tiếp tiếp cận sản phẩm – phải được thực hiện sát sao, chủ động.

Vai trò của người dân cũng được nhấn mạnh trong công tác phát hiện, phản ánh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc. Đấu tranh phòng, chống hàng giả trong lĩnh vực y tế không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan quản lý, mà cần sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội.